Các nhà khoa học ở Đại học Công nghệ Queensland đã phát triển một phương pháp xét nghiệm ADN mới có thể hỗ trợ việc xác định danh tính của hàng trăm người lính Úc đã hy sinh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Quân đội Úc tìm kiếm hài cốt ở Papua New Guinea. Nguồn: Bộ Quốc phòng Úc
Quân đội Úc tìm kiếm hài cốt ở Papua New Guinea. Nguồn: Bộ Quốc phòng Úc

Sau gần 80 năm nhiều hài cốt lính Úc vẫn đang được tìm thấy ở các chiến trường cũ như Papua New Guinea. TS. Kirsty Wright, một nhà sinh học pháp y ở Trung tâm nghiên cứu hệ gene, Đại học Công nghệ Queensland (QUT), cho biết do thời tiết khắc nghiệt, phần lớn các hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ cao, do đó việc lấy mẫu ADN và tìm ra câu trả lời chính xác từ các bộ hài cốt này là một thách thức”.

Trong hàng thập kỷ, với chuyên môn của một nhà khoa học pháp y, TS. Wright từng tham gia xác định danh tính của nhiều vụ khác nhau, ví dụ danh tính những người thiệt mạng trong vụ đánh bom khủng bố ở Bali năm 2002 và trận sóng thần năm 2004. Hiện nay, cô và nhóm nghiên cứu ở QUT đã phát triển một phương pháp xét nghiệm ADN mới với kỳ vọng có thể dự đoán các bộ hài cốt là người Nhật hoặc Úc với tỉ lệ chính xác 79% so với các phương pháp xét nghiệm ADN ti thể hiện nay, chỉ thành công khoảng 25%.

Vậy các nhà khoa học đã thực hiện những gì? TS. Wright cho biết, phương pháp mới do hai thành viên trong nhóm là Andrew Ghaiyed và Kyle James phát triển, tập trung vào các SNP (đa hình đơn nucleotide) đặc trưng trong hệ gene người. “Trong chuỗi ADN kéo dài 2m, ở từng tế bào, có những đoạn ADN đặc trưng thể hiện nguồn gốc của mỗi người. Chúng tôi đang tìm những đoạn ADN rất nhỏ, phổ biến ở Nhật nhưng hiếm gặp ở Úc và ngược lại, đồng thời chúng tôi cũng tìm kiếm ADN quy định về màu mắt và màu tóc”, cô nói.

TS. Wright giải thích, chẳng hạn nếu kết quả giám định DNA cho thấy một người có tóc vàng, mắt xanh, có thể “chắc chắn rằng đó là người Úc”.

Trong quá trình phát triển phương pháp này, các nhà khoa học đã được Trung tâm nghiên cứu quân đội Úc tài trợ. Dự kiến, quân đội sẽ thử nghiệm phương pháp này để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở Papua New Guinea.

Theo TS. Wright, ưu tiên hàng đầu trong thực hiện phương pháp này là phải xác định được đúng nguồn gốc của những người lính đã hy sinh. “Khi chúng tôi xác định họ là người Úc, họ sẽ được chôn cất ở nghĩa trang Liên bang, nếu là người Nhật thì sẽ được chuyển về Nhật Bản. Nếu nhầm lẫn, chúng tôi có thể vô tình gửi nhầm hài cốt của một người Úc về Nhật Bản, hoặc một người lính Nhật lại được chôn cất ở nghĩa trang Liên bang; do vậy chúng tôi không thể mắc sai lầm”, cô nhấn mạnh. Khi chứng minh được hài cốt là những người lính Úc, những xét nghiệm ADN sau đó có thể xác định danh tính của những bộ hài cốt này.

Hơn 600 người Úc đã thiệt mạng và khoảng 1689 người bị thương dọc theo Đường mòn Kokoda ở Papua New Ginea – một trong những trận chiến quan trọng nhất của quân Úc trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Một số hài cốt đã được phát hiện ở khu vực này vào cuối năm 2012. TS. Karl James, một nhà sử học ở Đài tưởng niệm chiến tranh Úc cho biết khoảng 160 người lính Úc đã thiệt mạng ở khu vực Kokoda nhưng không được lập mộ.

Ông nhận xét phương pháp xét nghiệm ADN mới là một sự phát triển quan trọng: “Chúng ta biết rằng hơn 100 người lính Australia vẫn được coi là mất tích hoặc hi sinh nhưng chưa xác định được danh tính ở Đường mòn Kokoda. Bởi vậy bất cứ điều gì làm được hiện nay sẽ thực sự mang lại niềm an ủi cho những gia đình mất người thân”, ông nhấn mạnh.

TS. James kỳ vọng công nghệ mới sẽ được ứng dụng để xác định hài cốt của những người lính hy sinh ở những chiến trường và trong những thời đại khác, bao gồm cả Chiến tranh Thế giới lần thứ I.