Trái Đất từng có nhiều hơn hai cực từ trong quá khứ và khả năng bảo vệ của từ quyển tránh khỏi các bức xạ có hại từ Mặt Trời yếu hơn nhiều so với ngày nay.

tu-truong-hon-loan-cua-trai-dat-thoi-co-dai

Hình minh họa từ trường cổ đại và hiện nay của Trái Đất. Ảnh: Peter Driscoll.

Theo Mother Nature Network, Trái Đất ngày nay có hai cực từ, một ở phía Bắc và một ở phía Nam, nhưng cách sắp xếp này không đúng trong quá khứ.

Trong nghiên cứu của Viện khoa học Carnegie, Mỹ, đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters hôm 6/6, từ quyển của Trái Đất hoàn toàn khác biệt so với hiện nay trong giai đoạn từ 500 triệu năm đến một tỷ năm trước. Nhiều cực từ đột nhiên xuất hiện trên khắp thế giới, làm từ trường hỗn loạn, ảnh hưởng đến đời sống sinh vật.

"Phát hiện này có thể đưa ra lời giải thích cho những biến động kỳ lạ về hướng từ trường được tìm thấy trong các dữ liệu địa chất khoảng 600-700 triệu năm trước", Peter Driscoll, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

tu-truong-hon-loan-cua-trai-dat-thoi-co-dai-1

Từ quyển bảo vệ Trái Đất, làm chệch hướng các hạt năng lượng cao có hại từ Mặt Trời và vũ trụ. Ảnh: NASA.

Theo các nhà khoa học, từ trường hai cực của Trái Đất được tạo ra do lõi sắt lỏng của hành tinh quay xung quanh một lõi rắn nhỏ hơn, nhưng lõi bên trong không phải luôn ở thể rắn. Tại một thời điểm trong lịch sử hình thành Trái Đất, phần lõi bên trong phải trải qua giai đoạn chuyển đổi từ trạng thái nóng chảy thành thể rắn.

Driscoll tin rằng sự kiện này diễn ra khoảng 500 triệu đến một tỷ năm trước, khi phần lõi bên trong bắt đầu cứng lại, nó tàn phá từ trường Trái Đất. Giai đoạn hỗn loạn này kéo dài cho đến khi lõi bên trong chuyển thành thể rắn hoàn toàn.

Kết quả nghiên cứu làm thay đổi đáng kể hiểu biết về lịch sử địa chất Trái Đất, đặc biệt là các phép đo từ tính được sử dụng để tái hiện chuyển động của những lục địa và vùng khí hậu cổ đại. Từ quyển có nhiệm vụ che chắn các bức xạ có hại từ Mặt Trời. Trong quá khứ, từ trường bao gồm nhiều cực từ có khả năng bảo vệ Trái Đất yếu hơn nhiều so với hiện nay.