Trong cuộc họp của HĐQT bầu hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2017 - 2022, GS Trương Nguyện Thành được tín nhiệm với 16/18 phiếu. Nhưng do không đáp ứng được quy định hiệu trưởng trong Luật Giáo dục đại học , vị trí Hiệu trưởng của GS Thành đã không được công nhận.

PGS.TSNguyễn Thị Thanh Huyền,chủ nhiệm bộ môn PR - Quảng cáo, Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội

Trong cuộc họp của HĐQT bầu hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho nhiệm kỳ 2017 - 2022, GS Trương Nguyện Thành được tín nhiệm với 16/18 phiếu. Thế nhưng do không đáp ứng được quy định hiệu trưởng phải đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong Luật Giáo dục đại học (GDĐH), vị trí Hiệu trưởng của GS Trương Nguyện Thành đã không được cơ quan chức năng công nhận.

Trường hợp GS Trương Nguyện Thành làm tôi nhớ lại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học của Đức với các lãnh đạo đại học Việt Nam hồi đầu năm nay tại Viện Goethe, Hà Nội.

Theo vị Chủ tịch này, các đại học ở Đức hoàn toàn được tự chủ về chính trị và hàn lâm. Theo nghĩa chính trị, Nhà nước phải tạo các tiền đề cần thiết cho tự do nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt là về điều kiện khung và cơ sở vật chất cho các trường hoạt động. Theo nghĩa hàn lâm, tự chủ đại học (TCĐH) là sự tự do trong nghiên cứu, giảng dạy (thoải mái chọn đề tài nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học). Thế nhưng, về tài chính, Nhà nước Đức vẫn hỗ trợ các trường chứ không để mặc các trường đi tìm nguồn tài chính vì nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Từ năm 1998, Đức đã bỏ Luật khung về GDĐH; từ đó, 16 bang có 16 Luật GDĐH khác nhau để giảm thiểu việc can thiệp quản lý quá chi tiết và cứng nhắc của nhà nước vào hoạt động của các trường đại học.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học của Đức khẳng định GDĐH ở Đức mới chỉ là “mô hình bán tự chủ”, và cho biết Đức cũng không muốn tiến tới tự chủ hoàn toàn như các nước chuyên kinh doanh giáo dục mà Anh, Úc là thí dụ điển hình.

Nhìn chung, ở các nước châu Âu, TCĐH có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh gồm: (1) thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị; và (2) quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của nhà trường. TCĐH được thể hiện trên hai cấp độ: đối ngoại (giữa trường đại học với nhà nước), và đối nội (giữa các bộ phận trong trường).

Trong TCĐH, vấn đề tự chủ về bổ nhiệm, tuyển dụng, sa thải nhân sự là một trong bốn yếu tố tiên quyết để thực hiện TCĐH, 3 yếu tố còn lại là: pháp lý, tài chính, và mô hình tổ chức. Điều này đã được đề cập trong rất nhiều hội thảo, nghị quyết, báo cáo đề xuất… của ngành GDĐH Việt Nam hơn chục năm qua. Một trong 8 điều căn bản cần tuân thủ để đảm bảo TCĐH ở Đức cũng là trao quyền tuyển dụng và phong học vị, học hàm cho các trường.

Vì thế, khi một trường đại học tư thục không thể bổ nhiệm hiệu trưởng dù có tới 16/18 thành viên hội đồng trường đã bỏ phiếu chấp thuận, thì vấn đề TCĐH cần phải được xem lại nghiêm túc về cấp độ đối ngoại trong việc quản lý nhân sự của cơ sở GDĐH để thấy về thực chất TCĐH ở Việt Nam hiện nay đang được thực hiện như thế nào.

Ở cấp độ đối nội, trường hợp GS. Trương Nguyện Thành gợi nhắc về vấn đề tự chủ trong tuyển dụng giảng viên cho các chương trình đào tạo mới trong các cơ sở GDĐH. Có rất nhiều ngành mới mà xã hội khan hiếm nguồn nhân lực được đào tạo bài bản nhưng không thể mở rộng tuyển sinh vì những rào cản về tuyển dụng giảng viên mà các văn bản quy định của các cấp đã đề ra, đặc biệt là quy chuẩn về bằng cấp.

Chẳng hạn, trong ngành Quan hệ công chúng (Public Relations), một ngành được xếp vào hàng “hot” nhất trong số các ngành KHXH& NV hiện nay, số người có trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành ở Việt Nam như tôi biết chỉ có 2 người. Ở Việt Nam cũng chưa có cơ sở GDĐH nào đào tạo bậc học tiến sĩ chuyên ngành này. Để có thể tuyển đủ giảng viên cơ hữu, trường đại học nơi tôi công tác phải hạ chuẩn xuống thạc sỹ, nhưng lại yêu cầu ứng viên phải hoàn thành bậc học tiến sĩ sau 3 năm - một điều kiện rất khó đáp ứng và làm nản lòng bất cứ giảng viên tâm huyết nào bởi chế độ đãi ngộ thấp so với việc họ sẽ đi làm thực hành ở doanh nghiệp.

Vì thế, ở bộ môn PR - Quảng cáo của khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐH KHXH&NV mà tôi được giao phụ trách, từ gần 10 năm qua, bài toán về giảng viên cơ hữu đủ chuẩn bằng cấp đúng chuyên ngành chưa bao giờ có lời giải thỏa đáng. Hằng năm, chứng kiến hàng chục học trò chưa ra trường đã được nhiều nhà tuyển dụng săn đón, tôi chỉ còn biết ước sao trường mình được thực sự cởi trói về vấn đề nhân lực, để những chuyên gia thực tài, tâm huyết nhưng không có bằng cấp phù hợp vẫn được trường trọng dụng như thành viên cơ hữu, góp phần thực hiện tốt sứ mệnh của chính nhà trường.