Hãy nhìn nhận những nhà khoa học từ công việc họ làm, thành tích mà họ đạt được với tư cách là một nhà nghiên cứu hơn là tập trung vào khía cạnh xem họ là nam hay người nữ, họ từ đâu đến, họ bao nhiêu tuổi, họ theo hệ tư tưởng nào, họ giàu hay nghèo, họ đẹp hay xấu...

Trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ diễn ra trong sáng nay, 11/9, TS. Phạm Phương Chi đã có chia sẻ cùng những tâm sự rất đời và thật về những khó khăn của người phụ nữ khi theo đuổi, đam mê với khoa học, đặc biệt trong ngành khoa học Xã hội nhân văn.

Báo Khoa học & Phát triển xin gửi tới bạn đọc những lời trăn trở cũng như hạnh phúc của người phụ nữ đam mê nghiên cứu:

"Tôi là Phạm Phương Chi. Tôi công tác tại Viện Văn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Hiện nay, sự quan tâm nghiên cứu chính của tôi đó là vấn đề giữa văn học và dân tộc của các nước thuộc địa cũ. Tôi rất cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi cơ hội được chia sẻ những trải nghiệm nghiên cứu của mình với tư cách là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội nhân văn và cũng có suy nghĩ về tư cách là một nhà nghiên cứu nữ.

Về xã hội nhân văn, quan niệm bao trùm của tôi đó là giữa khoa học nhân văn và tính dân tộc, tức là không có sự nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn nào không gắn với thực tại và triển vọng của một dân tộc nhất định. Đó là dân tộc người làm nghiên cứu khoa học đã trải nghiệm, đã đặt tình cảm và tự nhận mình có vai trò trách nhiệm đối với thực tại và tương lai của nó. Tất nhiên là nói đến khoa học thì chúng ta thường nói đến tính quốc tế, tính toàn cầu tính xuyên quốc gia; nhưng trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn thì tôi nghĩ rằng trong khi đảm bảo tính toàn cầu thì tính dân tộc vẫn là tất yếu và cần thiết.

Sự cần thiết và tất yếu này tôi nghĩ được thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất, khoa học xã hội nhân văn là công cụ thiết yếu để xây dựng các phương diện tinh thần và tư tưởng của công dân theo hướng nhằm đảm bảo tính thống nhất đảm bảo bản sắc riêng biệt bản sắc của một quốc gia.

Thứ hai, đó là việc gắn bó với các việc của dân tộc là con đường chiến lược để khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam có thể đối thoại, đóng góp cho khoa học và nhân văn thế giới, phá bỏ định kiến cho rằng khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam luôn luôn là sự lặp lại hay đi theo đối với khoa học xã hội và nhân văn của nhân loại.

Với quan niệm về khoa học về ngành như vậy, tôi có 4 băn khoăn sau về nghề và trong khi trình bày những băn khoăn thì tôi cũng có một chút kiến giải.

Thứ nhất, đó là băn khoăn của tôi về những thiệt thòi về vật chất tinh thần mà những người làm khoa học xã hội nhân văn đang trải nghiệm, tức là khoa học xã hội nhân văn tôi nghĩ là có tầm quan trọng mang tính quốc gia như vậy nhưng những người làm trong ngành này thì có những thiệt thòi về vật chất và tinh thần.

Tôi thấy là Bộ KH&CN ít có công trình nào kêu gọi sự tham gia, đấu thầu của những người làm khoa học xã hội và nhân văn, nhất là ngành văn học như chúng tôi. Thứ 2 là lương của chúng tôi vẫn theo định mức và hệ số của nhà nước. Cho dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hay là trong quá trình công tác chúng tôi có bao nhiêu bài báo trong nước hay quốc tế được công bố nhưng mà mức lương vẫn cứ như vậy, vẫn cứ phải theo 3 năm tăng 1 lần.

Bản thân tôi nhận thấy là làm khoa học phải có niềm đam mê vượt lên trên những chờ mong về vật chất, niềm đam mê rất là khó lý giải với người không cùng chung trí hướng. Nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy là lạc lõng và đôi chút hoang mang bởi vì “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Thứ hai, là băn khoăn của tôi về khoa học xã hội nhân văn và sự kiểm duyệt của nhà nước. Tôi quan niệm khoa học xã hội và nhân văn mang tính dân tộc nên tôi rất nhiều sự kiểm duyệt của nhà nước đối với các công trình khoa học xã hội nhân văn. Nhưng điều tôi băn khoăn đó là sự chênh và sự khác nhau về truyền thống giáo dục nền tảng tri thức và trình độ chuyên môn của những người làm công tác kiểm duyệt và những nhà nghiên cứu. Nên tôi nghĩ để cho công tác kiểm duyệt mang tính khách quan và có tính thuyết phục thì nhưng người làm công tác tư tưởng cần dựa vào ý kiến các nhà khoa học trong việc thẩm định một công trình khoa học.

Tức là đội ngũ các nhà khoa học trong nước và ngoài nước được xem có vai trò chủ đạo trong xem xét tính khoa học và từ đó đánh giá tính giá trị hay phi giá trị của công trình đó đối với thực tại và tương lai của dân tộc. Tôi nghĩ là không có nhà trí thức chân chính nào từ chối được làm một phần của sự nghiệp xây dựng và duy trì sự thống nhất của dân tộc.

Thứ ba, là suy nghĩ của tôi về sự tự do bứt phá trong nghiên cứu khoa học. Tôi quan niệm về sự gắn bó về mặt bản chất của xã hội với vận mệnh dân tộc. Nhưng tôi vẫn cho rằng sự tự do và bứt phá trong hoạt động khoa học là yếu tố tạo ra sự phát triển của khoa học.

Tôi nghĩ mỗi cá thể người làm khoa học, bất kể có chức hay không có chức, có quyền tự do lựa chọn phương pháp nghiên cứu và học thuật cho riêng mình không cứ phải giống theo hay là đi theo những lối đi đã vạch ra bởi những nhà tiền bối hay bởi những người làm công tác quản lý. Những nhà làm quản lý hay những tiền bối không phải là người không nên can thiệp quá sâu và tư duy hay quá trình nghiên cứu của người làm khoa học. Thay vào đó người làm quản lý hay người tiền bối nên đóng vai trò khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất sao cho ý tưởng khoa học mang tính sáng tạo và tính bứt phá được thực hiện.

Tôi nghĩ chấp nhận sự khác biệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, đảm bảo sự gắn bó của ngành đối với những vận động rất là nhanh chóng của đời sống hiện thực của dân tộc trong sự tương quan với những vận động của thế giới.

Thứ tư, tôi phát biểu với tư cách của nhà nghiên cứu nữ. Tôi không muốn kể ra khó khăn hợp lý hóa những đòi hỏi về ưu tiên hay nhường nhịn đối với những người phụ nữ làm nghiên cứu. Bởi vì, thực ra tôi nghĩ rằng là ưu tiên trong rất nhiều trường hợp là duy trì sự nhược tiểu của người được ưu tiên. Thay vào đó, tôi muốn nhấn mạnh đến việc được chịu trách nhiệm của nhà nghiên cứu nữ đối với bất cứ nhiệm vụ khoa học hay nhiệm vụ xã hội nào.

Người làm khoa học nữ đòi hỏi được chịu trách nhiệm bất kỳ nhiệm vụ khoa học xã hội nào dựa trên những đánh giá về năng lực thành tích khoa học của họ, chứ không phải dựa trên những chỉ tiêu về tỉ lệ cân bằng giới được ấn định ở đâu đó.

Ở đây, tôi đang nói sự nỗ lực vượt qua những sự phân biệt về mặt xã hội, không chỉ về mặt giới mà còn về các lĩnh vực khác trong tư duy và thực hành xã hội. Tức là hãy nhìn nhận những nhà khoa học từ công việc họ làm, thành tích mà họ đạt được với tư cách là một nhà nghiên cứu hơn là tập trung vào khía cạnh xem họ là nam hay người nữ, họ từ đâu đến, họ bao nhiêu tuổi, họ theo hệ tư tưởng nào, họ giàu hay nghèo, họ đẹp hay xấu họ sinh ra và lớn lên ở đâu, họ có truyền thống gia đình như thế nào. Đây là kiểu tư duy tôi nghĩ là không chỉ Việt Nam mà cả các nước trên thế giới cũng đang rất là nỗ lực đảm bảo cho sự tham gia công bằng của mọi cá thể xã hội trong công việc tham gia vào bất kỳ một nhiệm vụ khoa học xã hội. Một nhiệm vụ khoa học nói riêng hay một nhiệm vụ xã hội nói chung.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam có nhiều băn khoăn, nhưng điều chúng tôi băn khoăn nhất là công việc chúng tôi đang làm có phải là một phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng trong sự nghiệp xây dựng dân tộc và quốc gia Việt Nam hay không. Cho nên là việc gặp mặt tham dự buổi gặp mặt hôm nay có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với cá nhân tôi với những người làm nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nói chung, và chúng tôi thêm nguồn động viên tinh thần to lớn để tiếp tục con đường nghiên cứu - con đường vừa gắn với điều kiện thực tại và sự vận động của dân tộc, vừa có đối thoại và có đối thoại đóng góp cho khoa học xã hội và nhân văn của thế giới.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!"

Nghe TS Phạm Phương Chi trình bày trong cuộc gặp với Thủ tướng sáng 11/9.