Thật khó tưởng tượng một cậu bé có đôi chân“ngừng bước” từ khi hơn một tuổi lại trở thành tiến sỹ vật lý ở tuổi 30 với nhiều công trình khoa học chất lượng với hàng chục công bố quốc tế.

Người làm nên phép màu đó là tiến sỹ Nguyễn Việt Hưng - Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phó giáo sư - tiến sỹ (PGS-TS) Phạm Thành Huy - Viện trưởng AIST - nói về TS Nguyễn Việt Hưng - người đã cùng làm việc với ông ở AIST được 4 năm: “Điều tôi ấn tượng nhất với Hưng trong 4 năm qua là chưa có lần nào chúng tôi gặp nhau mà không thấy nụ cười trên môi cậu ấy. Hưng như tiếp thêm niềm tin và sự lạc quan vào cuộc sống cho những người xung quanh”.

Đó cũng là cảm nhận của tôi khi tôi trực tiếp gặp gỡ và trao đổi cùng nhà khoa học trẻ này. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ món quà mà Hưng được bố tặng khi lên đại học - chiếc xe 3 bánh được mua tận Sài Gòn và đã đi cùng anh gần 20 năm qua. “Đó là chiếc xe màu trắng trông vẫn đẹp và đi vẫn tốt như hồi mới mua. Từ hồi có nó, tôi như có thêm đôi chân để tự do đi lại” - TS Hưng tâm sự.

Trước khi có “người bạn đồng hành” đó, hành trình đi học của nhà khoa học 36 tuổi này là một câu chuyện dài đầy gian nan. Vừa tròn 13 tháng tuổi, anh bị nhiễm siêu vi trùng bại liệt. Nhờ có bố là bác sỹ đã điều trị, xoa bóp, bấm huyệt kịp thời nên về cơ bản cơ thể Hưng vẫn vận động bình thường được ngoại trừ đôi chân. Khi Hưng đến tuổi đi học, gia đình từng nghĩ cậu bé không có đủ sức để học và nếu có đi cũng khó đạt kết quả tốt, nhưng cậu vẫn quyết tâm đến trường.

Tiến sỹ Nguyễn Việt Hưng. Ảnh: Loan Lê
Tiến sỹ Nguyễn Việt Hưng. Ảnh: Loan Lê

“Hồi cấp một, bố chở tôi đi. Cấp hai thì có nhiều bạn thay bố mẹ đưa đón tôi đi, về. Lên cấp ba, vì trường ở xa nên tôi được mẹ chở. Mỗi lần chuyển cấp là một lần phải đấu tranh về tư tưởng để xem có nên học tiếp hay không vì càng học lên cấp, trường càng xa” - TS Hưng nhớ lại.

Nhưng bù lại sự vất vả của những người yêu thương mình, Hưng được tuyển thẳng trong cả hai lần chuyển cấp nhờ thành tích học nổi bật, được chọn vào
khối chuyên lý của thành phố Vinh (Nghệ An) ở bậc trung học cơ sở và sau đó là học sinh chuyên lý của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Lớp 12, anh đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn vật lý và được tuyển thẳng vào đại học, Đại học Vinh là nơi chọn tiếp tục sự nghiệp học hành của mình.

Ra trường với bằng tốt nghiệp loại giỏi cùng với thành tích giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc, Nguyễn Việt Hưng tiếp tục được chuyển tiếp lên chương trình cao học và sau đó anh nhận được học bổng toàn phần làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan. “Năm 2006, trước khi sang Ba Lan, tôi chủ yếu tập trung học ngoại ngữ. Bố lúc đó cũng học tiếng Ba Lan để chuẩn bị tinh thần sang đó cùng tôi!” - TS Hưng chia sẻ và nhắc lại lời bố: “Chắc chắn bố phải đi với con vì không thể để con đi một mình như vậy”.

Mẹ anh cũng không chấp nhận để con trai ra nước ngoài học tập một mình. Nhưng rốt cục, chàng nghiên cứu sinh trẻ đã thực hiện hành trình dài bốn năm ở Ba Lan một mình. “Lúc đó, tôi có quyết tâm và niềm tin rằng mình có thể vượt qua được những khó khăn ở nơi đất khách là nhờ sự động viên, khuyến khích và giúp đỡ rất tận tình của thầy Vân. Nhờ thầy giới thiệu mà tôi đã có được cơ hội gặp gỡ và làm việc với nhiều nhà khoa học ở Ba Lan. Sau bốn năm làm nghiên cứu sinh, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành, tự lập lên rất nhiều” - TS Hưng lý giải. Anh bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ tại khoa Vật lý, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Ba Lan vào đầu năm 2011.

Về nước, TS Hưng vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Nano quang điện tử (Viện AIST). Không dựa vào khó khăn tự thân, đòi hỏi cho mình một sự ưu tiên nào đó, Nguyễn Việt Hưng tham gia vào hầu hết mọi hoạt động của viện, dù di chuyển khó khăn như leo cầu thang hay leo núi. Một đồng nghiệp của anh ở Viện AIST - TS Đào Xuân Việt - cho biết, anh hòa đồng, nhiệt tình và vui vẻ với đồng nghiệp, tận tình với sinh viên. Anh chăm chỉ làm việc, chủ động và tích cực tham gia mọi việc”.

Như mọi nhà khoa học chân chính khác, TS Hưng say mê, tận tụy tiến hành các công trình nghiên cứu một cách hết sức nghiêm cẩn. Chính vì vậy cho đến nay, anh đã có 8 bài báo công bố trên các tạp chí ISI cùng nhiều bài trên các tạp chí uy tín khác, đặc biệt, kết quả nghiên cứu mà anh thực hiện cùng các nhà khoa học ở Ba Lan, Israel và Bồ Đào Nha, được công bố trên Scientific Reports - một trong những tạp chí rất uy tín về vật lý và khoa học tự nhiên - vào cuối tháng 6/2017. Với những gì đã đạt được, anh được đồng nghiệp đánh giá cao, nhưng anh vẫn cho rằng mình mới còn “chập chững vào nghề thôi”.

Nhìn lại những gì đạt được, TS Hưng bảo là mình may mắn khi anh luôn có gia đình làm điểm tựa vững chắc. Trên suốt cuộc hành trình dài của mình anh đã gặp được nhiều người bạn tốt luôn sẵn lòng giúp đỡ, những người thầy giáo tuyệt vời đã chắp cánh cho anh thực hiện được ước mơ. Anh cũng nhận mình là người lạc quan, kiên trì, chịu khó và luôn muốn truyền tinh thần đó cho các lớp sinh viên của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Anh tâm sự: “Lúc giảng dạy, được tiếp xúc với sinh viên, tôi thấy mình trẻ hơn. Việc chuẩn bị giáo trình trước khi lên lớp cũng khiến cuộc sống của tôi phong phú hơn”. Và điều nhà khoa học này muốn nhắn nhủ đến những bạn trẻ là “hãy nuôi dưỡng cho mình một ước mơ và cố gắng hết mình để thực hiện nó, đừng để ước mơ tàn lụi trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống”.