Các vụ sạt lở do trượt đất xuất hiện với tần suất lớn trong mùa mưa bão, và mưa là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hiện tượng thiên nhiên này. Tuy nhiên, còn nhiều nguyên nhân khác dẫn đến trượt lở đất ở Việt Nam và thế giới.

Một báo cáo khoa học về trượt lở đất của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải - Bộ Giao thông Vận Tải dẫn kết quả một nghiên cứu quốc tế cho thấy, nguyên nhân chính và trực tiếp nhất gây trượt đất nông là mưa - chiếm 69.4%, tiếp đó đến là hiện tượng xói mòn - chiếm 13,9%, hoạt động của con người tác động vào thiên nhiên - chiếm 7,3%, ảnh hưởng của động đất - chiếm 3%, hoạt động của nước ngầm - chiếm 1,7% và do các ảnh hưởng khác - chiếm 4,7%.

Trong đó, có 3 thành phần chính mang ý nghĩa quyết định gây trượt đất nông tại một vị trí cụ thể trên sườn núi hoặc mái dốc, đó là: Sự thay đổi tính chất của các chỉ tiêu cơ - lý của đất đá; tác động của nước mặt và nước ngầm; điều kiện bất lợi của địa hình sườn dốc, mái dốc. Ở những nơi hội tụ đủ 3 điều kiện bất lợi cơ bản đó, về nguyên tắc, hiện tượng trượt đất nông sẽ xảy ra.

Tổ chức hợp tác Quốc tế về chống trượt đất đã tổng hợp kết quả nghiên cứu của các nước và chia hiên tượng đất sụt thành các loại chính sau: Đá đổ, đá lở, dòng bùn, trượt đất, tổ hợp. Hiện tượng sụt trượt đất đá là một trong các tai biến địa chất xảy ra khá phổ biến tại những nước có địa hình đồi núi cao và có cấu trúc địa chất phức tạp. Đất sụt nói chung và trượt đất nông nói riêng thường xảy ra về mùa mưa hoặc mùa tuyết tan trên tất cả các nước có địa hình vùng núi trên thế giới.