Trung Quốc đang xây dựng nhà máy sản xuất điện từ rác thải lớn nhất thế giới tại thành phố Thâm Quyến, một siêu đô thị với 20 triệu dân.

Ảnh: Science Explorer.
Ảnh: Science Explorer.

Nhà máy này có thiết kế hình tròn, phần mái rộng khoảng 1,6 km được bao phủ 44.000 m2 các tấm pin năng lượng Mặt trời. Nó có khả năng đốt cháy 1/3 trong số 15.000 tấn rác do thành phố thải ra mỗi ngày. Nhiệt lượng sinh ra dùng để chuyển nước thành dạng hơi, sau đó làm quay các turbine của máy phát điện.

Dự kiến nhà máy biến rác thành điện tại Thâm Quyến sẽ được xây xong và đi vào hoạt động kể từ năm 2020. Lượng điện năng nó tạo ra đủ để cung cấp cho 100.000 căn hộ.

Nhà máy sẽ mở cửa đón khách tham quan để nâng cao ý thức của người dân về vấn đề rác thải.

“Mặc dù xử lý rác thải theo cách này không phải là giải pháp tốt nhất cho môi trường, nhưng lượng khí CO2 tạo ra bằng cách đốt rác chỉ bằng một nửa so với khí nhà kính giải phóng từ các bãi rác đang phân hủy”, Chris Hardie, kỹ sư tại công ty Schmidt Hammer Lassen Architects (Đan Mạch) đã giành phần thắng trong cuộc thi thiết kế nhà máy ở Thâm Quyến, cho biết.