Thí nghiệm mang tính đột phá trên vệ tinh SJ-10 của Trung Quốc cho những kết quả đáng khích lệ khi bào thai chuột sinh sôi và phát triển trong chuyến bay kéo dài ba ngày lên vũ trụ.

trung-quoc-tien-gan-muc-tieu-sinh-em-be-trong-vu-tru

Tạo ra em bé trong vũ trụ không phải nhiệm vụ dễ dàng. Ảnh: Pics About Space.

Hôm 17/4, các nhà khoa học Trung Quốc thông báo phát triển thành công phôi thai chuột ở giai đoạn đầu trong vũ trụ lần đầu tiên trên vệ tinh vi trọng lực, dự kiến quay về Trái Đất vào tuần tới, Xinhua đưa tin.

Vệ tinh nghiên cứu SJ-10, phóng lên vũ trụ hôm 6/4, chở hơn 6.000 phôi thai chuột trong phòng lưu trữ có kích thước bằng lò vi sóng, theo Duan Enkui, nhà nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Trong số đó, 600 phôi thai được đặt dưới camera có độ phân giải cao chụp ảnh liên tục 4 tiếng một lần suốt 4 ngày và gửi về Trái Đất.

Những bức ảnh chỉ ra phôi thai phát triển từ giai đoạn hai tế bào, bước phân chia khởi đầu đến giai đoạn túi phôi, nơi diễn ra sự phân hóa tế bào, trong 72 tiếng sau khi phóng vệ tinh SJ-10. Thời gian này gần như tương ứng với quá trình phát triển phôi thai trên Trái Đất, Duan cho biết.

Các phôi thai còn lại trên vệ tinh được tiêm thuốc hãm sau khi phóng 72 tiếng nhằm phục vụ nghiên cứu về ảnh hưởng của môi trường vũ trụ lên sự phát triển phôi thai. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người một trường hợp phôi thai động vật có vú phát triển thành công trên vũ trụ được ghi nhận.

Tuy nhiên, giáo sư Tan Xin, một nhà sinh vật học vũ trụ chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực lên quá trình sinh sản của động vật có vú ở Viện Công nghệ Bắc Kinh, nhận định tạo ra em bé trong vũ trụ không hề đơn giản. "Đây là một vấn đề gây tranh cãi và rất phức tạp do những thách thức về khoa học, kỹ thuật và đạo đức", Tan nói.

Đầu tiên, chưa có ai từng thử tạo ra em bé trong vũ trụ. Nỗ lực gần nhất là một thí nghiệm của Liên bang Xô Viết năm 1979, trong đó buồng chứa 5 con chuột cái và hai con chuột đực được đưa lên quỹ đạo để ghép đôi trong hai ngày. Kết quả hoàn toàn thất bại. Các nhà khoa học không tìm thấy dấu hiệu mang thai hay giao phối ở những con chuột. Họ cho rằng chúng mất hứng thú với việc giao phối do ở trong môi trường không trọng lượng.

Nhưng giao phối không phải chướng ngại vật lớn nhất, theo Tan. Sau khi tiến hành nhiều thí nghiệm trong môi trường vi trọng lực mô phỏng ở dưới mặt đất, nhóm nghiên cứu của ông phát hiện cơ quan sinh sản của động vật bị xuống cấp hoặc chịu tổn hại, có nghĩa mang thai tự nhiên trong vũ trụ là không thể xảy ra nếu không có sự can thiệp hoặc loại thuốc đặc biệt. "Động vật càng lớn, vấn đề càng nghiêm trọng", Tan cho biết.

Kết quả của họ tương tự như thí nghiệm của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các nhà khoa học của NASA nhận thấy chuyến bay kéo dài trong vũ trụ có thể làm giảm số lượng tinh trùng và tổn thương tế bào buồng trứng ở chuột. "Chúng ta vẫn rất mù mờ về cơ chế sinh sản trong vũ trụ. Rất khó để bình luận về phát hiện mới nếu không xem báo cáo", South China Morning Post dẫn lời giáo sư Tang Fuchou, nhà sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh.

Duan chia sẻ thí nghiệm của họ chắc chắn sẽ không sản sinh ra "chuột ngoài hành tinh" bởi các túi phôi sẽ chết khi trở về Trái Đất.

Dù những bức ảnh cho thấy túi phôi chuột trông gần như giống hệt mẫu vật phát triển trên mặt đất, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành phân tích sâu hơn để xác định bất kỳ đột biến nào xảy ra trong môi trường vi trọng lực. Họ cũng sẽ so sánh phôi thai ở SJ-10 với mẫu vật trên Trái Đất.

Theo Tan, có khả năng đứa trẻ sinh ra ngoài vũ trụ sẽ hoàn hảo hơn trẻ sinh trên Trái Đất bởi phôi thai phát triển tự do về mọi hướng trong môi trường vi trọng lực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn phôi thai có thể phát triển thành một đứa trẻ hoàn chỉnh hay không.

"Những thí nghiệm kiểu này có thể cung cấp gợi ý về cách giải quyết một số vấn đề sức khỏe sinh sản trên Trái Đất. Nhóm của Duan đã đạt bước tiến quan trọng đầu tiên. Tạo ra trẻ em trong vũ trụ là không thể tránh khỏi khi con người mở rộng phạm vi khám phá vũ trụ tới những hành tinh khác như sao Hỏa. Khi nào điều đó xảy ra phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của chính phủ ở các quốc gia muốn chinh phục vũ trụ", Tan nói.

Nhóm nghiên cứu sẽ so sánh phôi thai ở SJ-10 với mẫu vật trên Trái Đất và tiến hành phân tích sâu hơn về sự phát triển giai đoạn đầu của phôi thai trong vũ trụ, sau khi SJ-10 quay trở lại địa cầu.

Theo dự kiến, SJ-10 sẽ đáp xuống địa điểm chỉ định ở Tứ Tử Vương thuộc vùng Nội Mông vào tuần tới. Báo cáo trước đó cho biết vệ tinh hoạt động trong 15 ngày.

Vệ tinh hình viên đạn này là nơi diễn ra 19 thí nghiệm, bao gồm thủy động lực trong môi trường vi trọng lực, đốt cháy vi trọng lực, vật liệu vũ trụ, ảnh hưởng của phóng xạ vụ trụ, ảnh hưởng sinh học của môi trường vi trọng lực và công nghệ sinh học vũ trụ.