Sáng kiến mới của Trung Quốc bao gồm việc xây dựng một danh sách quốc gia các trường hợp có hành vi sai trái trong học thuật, lập danh sách tạp chí chất lượng kém và để một cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý vấn đề này.

Ngày 30/5, các cơ quan quyền lực nhất của quốc gia này - Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước - đã đưa ra một loạt chính sách mới nhằm cải thiện năng lực nghiên cứu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) sẽ chịu trách nhiệm quản lý và phán quyết các trường hợp có hành vi sai trái trong lĩnh vực khoa học - một vai trò trước đó do nhiều cơ quan riêng lẻ đảm nhiệm.

Đây là lần đầu tiên các trường hợp có hành vi gian lận sẽ được ghi vào cơ sở dữ liệu quốc gia đang được MOST thiết kế. Với những người nằm trong danh sách này có thể sẽ không nhận được kinh phí tài trợ từ các quỹ nghiên cứu trong tương lai, không đủ tư cách đảm nhiệm các vị trí nghiên cứu cao hơn, cũng như ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm việc làm khác

Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốcsẽ giám sát vấn đề tương tự đối với các nhà khoa học xã hội.

Lập danh sách đen

MOST sẽ thiết lập một danh sách đen các tạp chí khoa học kém chất lượng bao gồm cả trong nước và quốc tế. Các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên những “tạp chí đen” sẽ không được xem xét đánh giá thăng chức và trợ cấp đề tài nghiên cứu.

“Rõ ràng việc các bài báo được xuất bản trong tạp chí đen không được tính vào thành tích nghiên cứu đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ”, Paul Taylor, người đứng đầu chương trình liêm chính khoa học (scientific-integrity) của Đại học RMIT ở Melbourne, Australia, nói. Nhưng việc xác định các tạp chí «đen» không dễ dàng gì.

Thời điểm bắt đầu cải cách chưa được công bố nhưng dự kiến sẽ đến sớm. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia chính sách tại Trung Quốc và nước ngoài tin rằng, chính sách mới sẽ có tác động rất đáng kể.

Hành vi sai trái trong khoa học là một vấn đề lớn ở Trung Quốc với nhiều trường hợp đạo văn, sử dụng dữ liệu gian lận, khai báo sai thông tin cá nhân và bình duyệt giả mạo. Ví dụ, một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là tạp chí Tumor Biology đã thu hồi 107 bài báo được viết bởi các nhà khoa học Trung Quốc năm 2017 do bình duyệt giả mạo.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm phòng thí nghiệm tại Viện Vật lý thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Xinhua

Vấn đề thực hiện chính sách mới

Xue Lan, nhà nghiên cứu chính sách khoa học và đổi mới tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết, chính sách trước đây của Trung Quốc chỉ dựa trên nguyên tắc chung, chẳng hạn như cải thiện đạo đức nghiên cứu, nên rất khó thực hiện. Các cải cách mới có tính thực tế hơn nhiều. “Họ thiết lập một hệ thống trách nhiệm giải trình chi tiết ở mức độ chưa từng thấy trước đây”, Xue nói.

Là một phần của cuộc cải cách, MOST sẽ làm việc với các cơ quan như Học viện Khoa học Trung Quốc để tạo ra tiêu chuẩn nhằm xác định hành vi sai trái; các biện pháp theo dõi và điều tra những cáo buộc; các quy tắc để quyết định hình phạt theo từng loại hành vi sai trái. Theo chính sách mới, công việc và kinh phí tài trợ cho những người gian lận có thể bị thu hồi. Mặc dù các trường đại học hiện nay có những quyền hạn này, một số nhà khoa học nói rằng chúng hiếm khi được áp dụng.

“Hệ thống trách nhiệm giải trình sẽ khiến mọi người lo sợ vi phạm các hành vi gian lận trong khoa học. Nó sẽ giúp tạo ra một môi trường học thuật tốt hơn”, Yu Hailiang, một kỹ sư cơ khí tại Đại học Central South ở Changsha (Trung Quốc), cho biết.

Tang Li, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, là một trong số những người ủng hộ cuộc cải cách. Tuy nhiên, Li lo ngại nếu hình phạt quá khắc nghiệt, nó có thể gặp phải phản ứng dữ dội từ các nhà khoa học. Li cũng cảnh báo rằng, MOST sẽ phải bảo vệ người tố cáo và các nhà nghiên cứu bị cáo buộc về hành vi sai trái, khi họ dễ dàng công khai, tố cáo nhau trực tuyến. Taylor cho biết mối bận tâm của Li là hoàn toàn có cơ sở. Trung Quốc cần đảm bảo quá trình điều tra để đưa tên các nhà nghiên cứu vào cơ sở dữ liệu “có hành vi sai trái trong học thuật” phải thật công bằng và nghiêm ngặt.

Quy định mới cũng nêu rõ rằng, các tổ chức, đơn vị nghiên cứu sẽ bị rút lại các khoản tài trợ nếu họ bảo vệ các nhà nghiên cứu có hành vi sai trái nghiêm trọng. Nicholas Steneck - nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan ở Ann Arbor (Mỹ) - nói rằng, đây có thể là một mô hình để các quốc gia khác noi theo.

Tập trung vào cả số lượng lẫn chất lượng nghiên cứu

Chính sách mới cũng bao gồm kế hoạch để thay đổi toàn bộ cách thức các nhà nghiên cứu được đánh giá công việc và trợ cấp nghiên cứu. Hệ thống đánh giá hiện tại quá chú trọng vào số lượng bài báo mà một nhà khoa học công bố, đặc biệt là các bài báo đăng trên tạp chí cóchỉ số ảnh hưởng (IF) cao. Nhưng một số nhà khoa học lưu ý rằng, điều này khuyến khích việc nghiên cứu đốt cháy giai đoạn và gian lận. Quy định mới kêu gọi các trường đại học thay vào đó phải xem xét cả về số lượng cũng như chất lượng bài báo.

Nỗ lực thay đổi văn hóa khoa học ở Trung Quốc sẽ là chìa khóa để giảm thiểu hành vi sai trái. “Theo thời gian, các quy định mới sẽ đi sâu vào trái tim của mọi nhà khoa học Trung Quốc, giúp họ có ý thức chống lại những thói quen xấu trong nghiên cứu học thuật”, Yu nói.