Các nhà khoa học Nhật đã tuyên bố sắp có thể nuôi cấy tai người theo nhu cầu, sau khi họ thử nghiệm thành công việc cho chuột mọc tai người trên lưng của chúng.

nhan tao, chuot moc tai nguoi, cay ghep, te bao goc, nhân tạo, chuột mọc tai người, cấy ghép, tế bào gốc

Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Tokyo và Đại học Kyoto (Nhật), công nghệ của họ có thể được sử dụng để giúp những trẻ em bị dịt tật bẩm sinh ở mặt hoặc những trẻ bị chó tấn công gây thương tích, làm biến dạng tai. Những người trưởng thành, bao gồm cả các binh sĩ bị thương trên chiến trường hoặc những người bị tai nạn giao thông, cũng có thể được hưởng lợi từ công nghệ này.

Hiện nay, các tai thay thế được tạo nên từ sụn trích lấy từ xương sườn của bệnh nhân. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải tiến hành nhiều ca phẫu thuật. Thêm vào đó, việc cắt lấy sụn cũng rất đau đớn và lồng ngực không bao giờ liền hoàn toàn.

Ngược lại, kỹ thuật mới của các nhà nghiên cứu Nhật chỉ đòi hỏi sử dụng một mẫu tế bào nhỏ như là vật liệu bắt đầu. Ngoài ra, tai đã hoàn thiện sẽ là "vật sống" và sẽ lớn lên cùng người được cấy ghép nếu đó là một đứa trẻ.

Theo báo cáo nghiên cứu, các nhà khoa học bắt đầu bằng việc biến các tế bào gốc của người thành tế bào sụn. Sụn phát triển trong phòng thí nghiệm sau đó sẽ được biến đổi thành các quả cầu tí hon và được đặt vào bên trong các ống chất dẻo hình tai người trên lưng một con chuột. Sau 2 tháng, khuôn tai tan, để lại thứ trông giống như một cái tai dài 5cm đang nằm úp trên lưng chuột.

Kỹ thuật mới này hiện là một trong nhiều kỹ thuật đang được hoàn thiện trên khắp thế giới, nhằm thay thế các bộ phận cơ thể bị hủy hại do tai nạn và bệnh tật hay dị tật bẩm sinh.

Các bác sĩ ở London, Anh cũng từng phát triển được một cái mũi người nhờ sử dụng cánh tay bệnh nhân để nuôi dưỡng nó, thay vì lưng chuột. Họ cũng cho ra đời một khí quản nhân tạo và tuyên bố cuối cùng thậm chí có thể phát triển cả một khuôn mặt toàn vẹn trong phòng thí nghiệm.