Tháng 7 năm ngoái, khi Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Giáo dục đại học (RISTEK) của Indonesia vinh danh 8 nhà nghiên cứu cùng với các tổ chức và tạp chí về những đóng góp đặc biệt của họ cho khoa học, các nhà quan sát đã nhận thấy một điều kỳ lạ. Nhiều người đoạt giải là học giả tương đối xa lạ đến từ các trường đại học hạng hai.

Số lượng các bài báo của Indonesia trong danh mục Scopus tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn 2013 – 2018. Nguồn: RISTEK.
Số lượng các bài báo của Indonesia trong danh mục Scopus tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn 2013 – 2018. Nguồn: RISTEK.

Dường như những người có năng lực kém hơn lại trở thành người dẫn đầu.

Không cần mất nhiều thời gian để tìm hiểu lý do tại sao. Danh hiệu này đã thuộc về các nhà khoa học có thứ hạng Chỉ số Khoa học và Công nghệ Indonesia (SINTA) cao nhất. SINTA là một hệ thống được áp dụng từ đầu năm 2017 để đo lường hiệu suất nghiên cứu. Một số người chiến thắng đã làm tăng điểm SINTA của họ bằng cách xuất bản số lượng lớn bài báo trên các tạp chí chất lượng thấp, trích dẫn công trình nghiên cứu của chính họ một cách quá mức, hoặc hình thành mạng lưới các nhà khoa học trích dẫn lẫn nhau.

Những người tham gia thiết kế SINTA thừa nhận họ đã bị qua mặt. Một cuộc thảo luận gay gắt về SINTA đã xảy ra. Nhiều người cho rằng SINTA không nên được sử dụng để tạo ra một bảng xếp hạng, thậm chí nên bị loại bỏ. Nhưng Chính phủ Indonesia không hề nản lòng. Sau một cuộc họp vào tháng 1/2019, Chính phủ tuyên bố sẽ triển khai một phiên bản cải tiến của SINTA vào cuối năm nay. Nó sẽ tích hợp dữ liệu từ Scopus, Google Scholar và một số nguồn bổ sung, bao gồm Web of Science và Thư viện Quốc gia Indonesia.

“SINTA là cách để Indonesia công nhận những đóng góp của các nhà khoa học, tạo ra sự cạnh tranh giữa họ và thúc đẩy họ trở nên tốt hơn”, Sadjuga, người quản lý sở hữu trí tuệ của RISTEK, cho biết.

Indonesia đã áp dụng một số chính sách khác trong 6 năm qua để làm tăng số lượng các công trình nghiên cứu từ hơn 250.000 học giả đang làm việc tại 4.000 trường đại học trong nước. Ví dụ, các giáo sư đại học có thể mất gần một nửa tiền lương nếu họ không có bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế. Do đó, số lượng bài báo được xuất bản bởi các tác giả ở Indonesia đã tăng vọt, từ mức dưới 7.000 bài báo trong năm 2014 lên mức 28.000 bài báo vào năm 2018, theo Scopus, một cơ sở dữ liệu được điều hành bởi nhà xuất bản Elsevier của Hà Lan.