Mặc dù còn khó khăn nhưng hàng năm nhà nước đã đầu tư gần 2% ngân sách (tương đương 11.243 tỷ đồng) cho nghiên cứu và phát triển KH&CN. Về nguyên tắc, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học thực chất cũng là tiền thuế của dân nên nghiên cứu cái gì và kết quả ra sao cần được công khai minh bạch trên các phương tiện truyền thông để người dân biết.

Tuy nhiên, rất tiếc hiện nay ở Việt Nam, chỉ thấy mọi người, mọi nhà (tổ chức nghiên cứu) đua nhau lập dự án, xin kinh phí được càng nhiều cang tốt, nhưng lại thiếu đi cái trách nhiệm “báo cáo” kết quả sử dụng đồng kinh phí xin được. Cơ quan quản lý đồng tiền chỉ yêu cầu sản phẩm khoa học ở dạng “phi truyền thông” như báo cáo khoa học, bài báo công bố, cơ sở dữ liệu, hay phát minh, sáng chế mà không yêu cầu giải trình kết quả nghiên cứu ở dạng truyền thông KH&CN.

Những mặt hạn chế và hệ lụy

Ở các nước khoa học phát triển, để được cấp kinh phí, nhà khoa học không chỉ được yêu cầu thuyết minh sản phẩm rõ ràng mà còn phải giải trình khả năng truyền tải kết quả nghiên cứu ở dạng truyền thông KH&CN (“Dissemination”). Nhưng ở Việt Nam cho đến nay chỉ mới có NAFOSTED bắt đầu có mục “Dissemination” – có thể hiểu là “hình thức lan tỏa các kết quả nghiên cứu”, trong phiên bản thuyết minh tiếng Anh, còn phiên bản tiếng Việt vẫn vắng bóng.

Việc thiếu yêu cầu “giải trình kết quả nghiên cứu” dưới dạng truyền thông KH&CN chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng các kết quả nghiên cứu bị “bỏ quên trong ngăn kéo”, chưa kể sự thiếu công khai hiệu quả sử dụng đồng tiền từ ngân sách nhà nước còn tạo môi trường tốt cho việc chạy, chọt, ăn chia khi xin tài trợ nghiên cứu. Mặt khác, cũng do yếu kém về thông tin KH&CN, không ít nghiên cứu KH&CN của ta còn trùng lặp so với thế giới và thậm chí trong nước. Thực tế cũng có một số bài viết, tin tức về KH&CN, nhưng thường đưa tin một chiều, không chuẩn xác, khó kiểm chứng, hoặc thông tin chỉ phục vụ cho những động cơ, mục đích cá nhân nên không thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Trong khi đó, các tổ chức nghiên cứu KH&CN (tập trung ở các Viện nghiên cứu và các trường đại học) hầu như chưa quan tâm đầu tư cho lĩnh vực truyền thông KH&CN, chưa thực sự coi trọng việc thông tin giới thiệu và quảng bá nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ do chưa chịu sức ép của pháp luật, chưa có chiến lược quảng bá hình ảnh của mình.

Mặc dù một số tổ chức nghiên cứu KH&CN có sản phẩm nghiên cứu KH&CN có giá trị, kể cả vô hình và hữu hình, nhưng chưa biết cách giới thiệu rộng rãi hoặc chưa biết làm thế nào để nắm bắt nhu cầu thị trường đối với loại tài sản trí tuệ có giá trị KH&CN của mình.

Những sạp báo tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội hầu như không có một tạp chí khoa học. Nguồn: lethieunhon.vn

Thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm làm truyền thông là một phần nguyên nhân khiến các nhà khoa học thiếu tích cực tham gia giới thiệu kết quả nghiên cứu đến công chúng, nhưng phần nguyên nhân quan trọng hơn là thực trạng chúng ta chưa có nhiều thành tựu hay sản phẩm KH&CN có giá trị để thông tin đến công chúng và xã hội.

Hiện nay mảng nghiên cứu cơ bản của chúng ta khá tốt, nhưng kết quả chủ yếu là công bố quốc tế ISI, là các sản phẩm công bố chuyên sâu, khó truyền tải cho công chúng trên các phương tiện truyền thông KH&CN. Trong khi đó, những sản phẩm mà thị trường, doanh nghiệp, công chúng quan tâm là các kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng thì lại khá nghèo nàn, ít sản phẩm được đăng ký sáng chế, phát minh, giải pháp hữu ích.

Đổi mới phương thức truyền thông KH&CN

Việc đưa tin nhanh nhạy, trung thực và khách quan các thành tựu KH&CN trong và ngoài nước đến với công chúng là việc làm cần thiết, đặc biệt tới giai đoạn khi xã hội phát triển hơn và thông tin về KH&CN đã trở nên một trong những nhu cầu, một món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi người. Đề đáp ứng được nhu cầu thông tin KH&CN, ngành truyền thông KH&CN phải được đổi mới và hiện đại hóa theo cách thức sau đây:

Thay đổi nhận thức về truyền thông KH&CN. Truyền thông KH&CN không chỉ là các bài báo trình bày kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, mà còn là thông tin về những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, đặc biệt là những sáng chế, phát minh - những kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong sản xuất, góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc tuyên truyền về KH&CN, truyền thông KH&CN còn có trách nhiệm động viên kịp thời và tôn vinh tinh thần nghiên cứu, sáng tạo và trách nhiệm của nhà khoa học với đất nước.

Đặt truyền thông KH&CN vào đúng vị trí. Cần có qui định dạng luật hóa truyền thông KH&CN đối với các tổ chức nghiên cứu KH&CN, các doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu và chuyển giao KH&CN, cũng như các nhà khoa học tạo ra sản phẩm KH&CN. Ngoài ra, cũng cần luật hóa các hình thức giới thiệu, chuyển giao các sản phẩm KH&CN đến công chúng và doanh nghiệp. Đồng thời cần quy định mức kinh phí dành cho truyền thông KH&CN không ít hơn 5% kinh phí đề tài (theo định mức quốc tế) để các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN chủ động trong việc truyền thông KH&CN.

Tăng cường kết nối cộng đồng khoa học vàxãhội. Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN là sự gắn kết giữa các nhà khoa học, các tổ chức ngành nghề và các cộng đồng xã hội. Chính vì vai trò của truyền thông như là cầu nối giữa nhà khoa học và công chúng, nên trong các thuyết minh tài trợ cho nghiên cứu (research proposal) bắt buộc phải có mục “Research results dissemination” yêu cầu nhà khoa học mô tả cách thức chuyển giao / phổ biến các kết quả nghiên cứu đến công chúng.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhà khoa hoc về truyền thông KH&CN. Đã đến lúc các nhà khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN. Thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thì các nhà khoa học nên xúc tiến quảng bá đến công chúng những gì mình làm được, hiệu quả kinh tế xã hội và khả năng chuyển giao công nghệ, hay chuyển giao tri thức mới. Cần thay đổi nhận thức của phần lớn các nhà khoa học về truyền thông KH&CN, những người hiện vẫn coi truyền thông KH&CN là việc của người khác chứ không phải của mình.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy trao đổi với các nhà báo về những yêu cầu mới đang đặt ra trong truyền thông KH&CN trong bối cảnh CMCN 4.0. Ảnh: TTTT KH&CN

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của tổ chức nghiên cứu KH&CN. Công tác truyền thông KH&CNkhông chỉ là trách nhiệm của nhà khoa học mà còn là trách nhiệm của tổ chức nghiên cứu KH&CN. Các tổ chức KH&CN phải quan tâm, nhận thức cao về vai trò của công tác truyền thông KH&CN, cử người chịu trách nhiệm tiếp xúc với cơ quan báo chí, để từ đó, cơ quan truyền thông đưa thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất về KH&CN.

Nên đa dạng hóa truyền thông KH&CN. Ngoài thông tin trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, Nhà nước nên đầu tư các hình thức truyền thông KH&CN như xây dựng các bảo tàng chuyên đề về các lĩnh vực KH&CN, như Bảo tàng Thiên văn học, Bảo tàng Vật lý, Bảo tàng Đất hiếm, Bảo tàng robot, bảo tàng kiến trúc, bảo tàng danh nhân, v.v., ngoài việc nâng cấp và hiện đại hóa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Thực ra, nếu chúng ta chưa có điều kiện đầu tư với quy mô lớn thì trước mắt chỉ cần đầu tư cho hệ thống các cơ sở nghiên cứu có thêm cơ sở vật chất để trưng bày, triển lãm các thành tựu và sản phẩm nghiên cứu, mô hình khoa học trong và ngoài nước và mở cửa cho công chúng đến thăm quan.

Tổ chức xuất bản các tạp chí phổ biến kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực về KH&CN. Bên cạnh các tạp chí khoa học chuyên ngảnh (Journals), trên thế giới còn có hàng loạt bản tin khoa học (Magazines) như New Scientist, Popular Science, Discovery, National Geographic (Mỹ) hay Spunik (Nga), v.v… Đây là những tạp chí khoa học được truyền tải ở dạng các bản tin KH&CN với thông tin cập nhật, hấp dẫn, dễ hiểu nên có đông đảo công chúng trên toàn thế giới quan tâm. Có thể nói đây là mảng truyền thông KH&CN hầu như còn thiếu vắng ở Việt Nam.

Với nhà khoa học giỏi thì truyền thông KH&CN không khó

Như trên đã đề cập, nhà khoa học sử dụng kinh phí nhà nước, từ tiền thuế của dân cho các nghiên cứu của mình, cho nên họ cũng phải có trách nhiệm giải trình cho công chúng biết những gì họ làm, kết quả ra sao. Đương nhiên, trong thực tế, hoàn toàn không dễ để trình bày cho công chúng hiểu những vấn đề khoa học cao siêu như “điện toán đám mây”, “công nghệ nano” hay cơ chế “biến nạp gene” cho công chúng hiểu. Tuy nhiên, nhà khoa học giỏi thường có kinh nghiệm trình bày và có cách diễn đạt hình tượng hóa để giải thích ý tưởng và phương pháp khoa học dù khó hiểu đến với công chúng.

Bản chất của truyền thông KH&CN đơn giản là thông tin về những gì nhà khoa học nghiên cứu sáng tạo, vì vậy nhà khoa học phải là chủ thể của công tác truyền thông KH&CN, bởi không ai tốt hơn chính họ trong việc nói về các sản phẩm của bản thân hay trong lĩnh vực của mình. Công việc truyền thông KH&CN không chỉ là chức năng của nhà khoa học mà còn là tiêu chí để đánh giá năng lực cống hiến (làm và nói) của nhà khoa học.

Do đó, nhiều nhà khoa học lớn đã thẳng thắn nói về chức năng nhà khoa học, như Albert Einstein cho rằng “Nếu bạn không thể giải thích điều gì đó một cách đơn giản, bạn không hiểu tốt vấn đề” hay Allen Bromley (nhà vật lý lừng danh Hoa Kỳ) cũng nói “Nếu nhà khoa học không thể giải thích những gì họ đang làm cho một người bình thường hiểu thì điều đó có nghĩa bản thân nhà khoa học cũng không hiểu vấn đề”.

Như vậy, sứ mạng chân chính của nhà khoa học không chỉ ngồi trong tháp ngà để tạo ra sản phẩm trí tuệ về KH&CN mà phải biết truyền đạt những ý tưởng và phương pháp và kết quả nghiên cứu khoa học đến công chúng, ngoài những công bố cao siêu trên các tạp chí uy tín ISI/Scopus.

Nhiệm vụ trước hết của truyền thông KH&CN là cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác về đường lối, chính sáchthúc đẩy KH&CN của nhà nước để đưa KH&CN trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội. Nhờ có truyền thông KH&CN, các cấp quản lý KH&CN từ Chính phủ đến các bộ, ngành nắm được khả năng khoa học, công nghệ và nhu cầu thực tiễn sản xuất đời sống, qua đó đưa ra đường lối chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy KH&CN.

Bên cạnh đó, truyền thông KH&CN còn tạo cầu nối giữa khoa học và thị trường, giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, giúp cho các tổ chức nghiên cứu KH&CN nắm được nhu cầu thị trường, yêu cầu thực tiễn sản xuất để có thể xác định những vấn đề nghiên cứu thiết thực.

Trong khi hoạt động truyền thông trong nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt về bóng đá, sức khỏe, tình yêu - tình dục, văn hóa thường được chú trọng chiếm thời lượng lớn trên các phương tiện truyền thông, thì truyền thông KH&CN lại chưa được quan tâm đúng mức. Không chỉ số lượng tin, bài còn ít, mà nội dung còn thiếu sự phong phú, sinh động. Tình trạng này nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là các nhà khoa học còn thiếu tham gia tích cực trong việc giới thiệu đến công chúng các kết quả nghiên cứu của họ, ngoại trừ công bố các “báo cáo khoa hoc” để làm thủ tục nghiệm thu, thanh lý đề tài.