Mỗi xã sẽ hình thành 1-2 tổ đội dịch vụ chịu trách nhiệm phun thuốc bảo vệ thực vật cho toàn xã thay vì để các hộ nông dân tự phun.

Trong chuyên đề về thuốc bảo vệ thực vật, bài “Lãng phí cả nghìn tỷ đồng mỗi năm vì phun thuốc sâu quá liều”, báo Khoa học và Phát triển số 940, ông Huỳnh Tấn Đạt - Trưởng phòng Quản lý thuốc, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - có nhắc đến mô hình biến 13 triệu nông dân Việt Nam thành 30.000 tổ đội dịch vụ sử dụng thuốc cho các xã. Liên lạc với tòa soạn, độc giả Lê Văn Vinh (Bắc Ninh) muốn có nhiều thông tin cụ thể hơn về mô hình này.

Người dân pha thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Lê Loan
Người dân pha thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Lê Loan

Ông Huỳnh Tất Đạt giải thích, đây là mô hình nằm trong đề án dịch vụ bảo vệ thực vật tại các địa phương mà Cục Bảo vệ thực vật đang triển khai. Mục đích là giúp ngành bảo vệ thực vật giảm thiểu 13 triệu chủ thể trực tiếp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tức 13 triệu hộ nông dân, xuống chỉ còn hơn 30.000 tổ, đội dịch vụ sử dụng thuốc.

Theo đó, mỗi xã sẽ hình thành 1-2 tổ đội dịch vụ chịu trách nhiệm phun thuốc bảo vệ thực vật cho toàn xã thay vì để các hộ nông dân tự phun. Cán bộ trực tiếp sử dụng thuốc trong đội này có trình độ chuyên môn sâu, tuân thủ nguyên tắc bốn đúng, bao gồm đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng thời điểm và đúng cách; đồng thời bảo đảm hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người phun, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Cũng theo ông Đạt, khi mỗi xã chỉ có một vài tổ đội dịch vụ, sẽ không còn hiện tượng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách đơn lẻ. Công tác thông tin dự báo sâu bệnh được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả hơn, số lần phun ít đi, chẳng hạn nếu như trước đây phun từ 5-7 lần thì bây giờ chỉ phun từ 1-3 lần.

“Một lợi ích khác là tổ đội dịch vụ sẽ giúp tiết kiệm chi phí bảo vệ thực vật cho người dân. Nếu hộ nông dân tự phun, cửa hàng bán cho bao nhiêu, họ sẽ phun một lần cho bằng hết. Trong khi đó, tổ đội dịch vụ sẽ tính toán liều lượng dựa trên diện tích cụ thể để phun theo đúng khuyến cáo và đúng với diện tích. Như vậy, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng sẽ giảm đi” - ông Đạt nói.

Ngoài ra, khi triển khai các tổ đội phụ trách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thay cho từng hộ nông dân, số người trực tiếp sử dụng thuốc sẽ ít đi và tập trung hơn. Nhờ đó, công tác đào tạo, tập huấn về sử dụng thuốc sẽ bài bản hơn, dễ dàng gắn kết với các đơn vị kỹ thuật ở địa phương.

Ngoài mô hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có chính sách khuyến khích đăng ký, sử dụng thuốc sinh học và thuốc thế hệ mới. Trên cơ sở truyền thông, đào tạo khuyến nông cho cán bộ kỹ thuật và tổ đội dịch vụ, việc sử dụng loại chế phẩm này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép.