Các nhà khoa học thuộc Đại học London, Anh đã tìm ra được bằng chứng về loài vi khuẩn được cho là xuất hiện sớm nhất trên Trái đất - cách đây khoảng 3,8 tỷ năm - ở nền biển cổ Canada.

Đây là kết quả của việc khảo sát đá nằm dọc bờ biển phía đông của Vịnh Hudson, phía bắc Quebec, Canada. Thứ mà các nhà khoa học tìm thấy được cho là cốt khoáng của loài vi khuẩn sống cách đây từ 3,77 tỷ năm tới 4,28 tỷ năm.

Nếu đúng thì loài vi khuẩn này thậm chí còn cổ xưa hơn những cốt đá (khoảng 3,7 tỷ năm) tìm thấy ở Greenland vào tháng 8 năm ngoái.

Những sợi và ống siêu nhỏ tạo thành từ oxit sắt có tên hematite được tìm thấy trong một loại đá có tên là ngọc thạch- được tìm thấy ở vành đai Nuvvuagittuq.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo người đứng đầu đoàn nghiên cứu, Matthew Dodd thì sinh vật này đã từng sống gần ống thông khí ở đáy biển, nơi nước bị núi lửa đun nóng bởi khi nghiên cứu các ông và sợi nhỏ được bảo quản trong đá, họ thấy chúng có cấu trúc tương đồng với những loài sinh vật sống trong môi trường thủy nhiệt ở dưới đáy biển.

Do hóa thạch này có tuổi đời gần bằng Trái đất nên kết quả tìm kiếm có thể giúp chúng ta khẳng định thêm rằng sự sống có thể đã được bắt nguồn trong môi trường tương tự.

Các nhà khoa học còn tin rằng phát hiện của họ có thể giúp tìm hiểu về sự sống trên những hành tinh khác.

“Phát hiện này có thể giúp hình dung ra sự sống phát triển trên Trái đất thế nào vào thời điểm Sao Hỏa và Trái đất đều có nước trên bề mặt, và điều này đặt ra những câu hỏi thú vị về cuộc sống ngoài hành tinh. Chúng tôi hi vọng có thể tìm thấy bằng chứng về sự sống trong quá khứ trên sao Hỏa 4.000 triệu năm trước. Nếu không có, thì có lẽ Trái đất là một ngoại lệ đặc biệt” – Dodd nói.