Việt Nam còn có cả kho báu nguồn gene thực vật đa dạng, nhưng rất nhiều giống hoa quý, cây dược liệu hay các loài mang tính chất kỳ hoa dị thảo... cũng đang có nguy cơ cạn kiệt.

 PGS- TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau - quả.

Tôi còn nhớ cách đây 20 năm, một công ty của Nhật Bản sang đầu tư sản xuất hoa lan hồ điệp ở Việt Nam và đã đi khảo sát tất cả các vùng núi có hoa của nước ta, tìm kiếm các giống quý rồi sau đó chuyển về nước họ bằng nhiều cách. Thực tế, chúng ta khó có thể kiểm soát việc này.

Trong rừng sâu Việt Nam có nhiều nguồn gene hoa lan quý hiếm với những giò lan hàng trăm năm tuổi, nhưng bị khai thác bừa bãi. Nguyên nhân là người dân không hiểu biết và cũng vì miếng cơm manh áo nên đã khai thác và bán cho thương lái Trung Quốc. Đây là điều hết sức đau xót. Ngoài lan, Việt Nam còn có cả kho báu nguồn gene thực vật đa dạng, nhưng rất nhiều giống hoa quý, cây dược liệu hay các loài mang tính chất kỳ hoa dị thảo... cũng đang có nguy cơ cạn kiệt.

Tôi và nhiều nhà khoa học rất trăn trở về thực trạng số loài thực vật quý ngày càng thu hẹp lại. Tôi đề nghị Nhà nước có sự quan tâm lớn hơn. Mặc dù đã có chương trình Phát triền nguồn gene quốc gia, nhưng số đề tài tham gia còn quá ít. Nhà nước cần đầu tư nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu để xác định những chủng loại quý giá có nguy cơ tuyệt chủng, tránh trường hợp đến khi phát hiện ra đặc tính quý của một giống nào đó thì cũng là lúc giống đó “ra đi”.

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ sinh học đã giúp tạo ra nhiều quy trình chọn giống mới. Hầu hết các quy trình công nghệ sinh học áp dụng nuôi cấy mô và tế bào in vitro từ mảnh mô, tế bào phân lập, mô sẹo, tế bào trần hoặc mô phôi để thực hiện quá trình biến đổi, rồi sau đó cho tái sinh thành cây hoàn chỉnh. Vì vậy, để giữ và phát triển các giống quý, cần biết kết hợp phương pháp chọn lọc truyền thống với phương pháp hiện đại.

Đối với người dân, cần hết sức cảnh giác khi người nước ngoài tập trung thu mua giống cây nào đó. Có thể họ chỉ đơn giản mua để kinh doanh. Cũng có thể họ có ý đồ triệt phá dòng giống thực vật của nước mình rồi mang về nước họ phát triển, lai tạo, sau đó chúng ta phải mua lại với giá rất cao. Mặt khác, khi phát hiện loài cây lạ, người dân cần phối hợp với các cơ quan khoa học đăng ký, bảo vệ giống đó. Nếu chúng ta biết cách khai thác tài nguyên này, Việt Nam hoàn toàn có thể có những bộ giống mới, chất lượng cao và xuất khẩu được.