Đó là biệt hiệu mà các đồng nghiệp ngoại quốc dành cho tiến sỹ (TS) Võ Văn Sự - nguyên Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, Viện Chăn nuôi quốc gia.

Phó Giáo sư (PGS) - TS Hoàng Văn Tiệu - nguyên viện trưởng - cũng nhận xét: “Nhìn vào ngoại hình, nhiều người nghĩ ông này là nghệ sỹ chứ không phải dân nghiên cứu hay làm về nông nghiệp. Thế nhưng trong công việc, ông lăn lộn hết miền xuôi đến miền núi, lúc nào cũng hết mình”.

Người giúp tin học hóa ngành chăn nuôi

Quả như nhận xét của PGS Tiệu, TS Võ Văn Sự trông như một nghệ sỹ phong trần với mái tóc dài ngang vai cột “đuôi gà” một nửa, luôn đi cùng chiếc mũ cao bồi. Nở nụ cười hào sảng, ông tâm sự bằng giọng nói vẫn phảng phất chất mặn mòi của xứ Nghệ dù đã xa quê lâu năm: “Tôi đang đi làm thuê. Công việc là cố vấn về lĩnh vực chăn nuôi cho Tập đoàn TH. Họ có lượng bò sữa lớn nên tôi phải quản lý toàn bộ dữ liệu, viết phần mềm phân tích đánh giá các vấn đề xung quanh con bò. Vậy nên tôi cũng đi suốt, ít khi ở nhà”.

Thấy tôi ngạc nhiên vì nhiệm vụ thường được cho là dành cho chuyên gia công nghệ thông tin này, ông giải thích: Chuyên môn của tôi là di truyền, giống, nhưng nhận thấy tin học là một công cụ không thể thiếu và hữu hiệu cho bất cứ ngành gì nên đã học món này. Làm nông nghiệp cũng vậy, tôi tận dụng kiến thức về chăn nuôi rồi áp dụng cái mới để quản lý con giống, sinh sản, thú y tốt hơn. Số liệu thu thập được, tôi chuyển cho các cơ quan quản lý tham gia việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia”.


Ở thời điểm cách đây gần 20 năm, khi công nghệ thông tin chưa mấy phổ biến, TS Sự miệt mài tìm đủ mọi cách để có thể sử dụng các phần mềm lập trình. “Tôi cứ ôm máy tính nhiều ngày rồi mày mò từng chi tiết nhỏ. Có những số liệu lớn hàng triệu, hàng tỷ phải dùng các phần mềm toán học của Mỹ. Sau đó tôi học thêm các phần mềm lập trình như Visual Foxpro, phần mềm phân tích số liệu như sas, minitab...”.

TS Sự chính là người phát triển phần mềm quản lý bò sữa VDM - phần mềm đầu tiên của Việt Nam đáp ứng nhu cầu tin học hoá và hiện đại hoá ngành chăn nuôi. Ông giải thích: Trong một đàn bò sữa, cần phân tích những mặt tốt hoặc chưa tốt, tiến triển của đàn bò như thế nào, điều gì tác động đến nó (năng suất sữa thay đổi là do mùa vụ, con giống hay là do quản lý...).

Để giải một bài toán lớn như vậy, cần trải qua nhiều công đoạn phân tích, nhập và quản lý số liệu, sau đó dùng các phần mềm toán học, các mô hình toán học thống kê để xử lý.

Nhắc đến chuyện áp dụng tin học của TS Võ Văn Sự, PGS Tiệu chia sẻ: “Ông Sự là người luôn cập nhật những thứ tân tiến, luôn muốn đưa công nghệ thông tin vào công việc chuyên môn và tìm cách để chuyên môn đó gắn được với người sản xuất. Đây là điều nổi bật của TS Sự. Chương trình quản lý nguồn gene mà ông xây dựng đã được áp dụng rất hiệu quả”.

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, thành tựu của ông trong lĩnh vực di truyền cũng “cất cánh”. Trong đó, một trong những kết quả khiến ông tự hào nhất là đã chứng minh được tính thích nghi của đàn bò sữa tại Mộc Châu và góp phần quan trọng trong việc hình thành vùng bò sữa Mộc Châu hiện tại và tương tự là vùng bò sữa Lâm Đồng sau đó.

Tiến sỹ Võ Văn Sự. Ảnh: Loan Lê
Tiến sỹ Võ Văn Sự. Ảnh: Loan Lê.

"Lăn lộn" giữa nguồn gene gà đen H'Mông

Ông Phan Hải Ninh - Viện Chăn nuôi quốc gia - cho biết, TS Võ Văn Sự là người tận tụy với chuyên môn di truyền học của mình. Có khi ông “ở lỳ” đến hàng tuần trong dãy Trường Sơn hay các tỉnh trung du, miền núi phía bắc để tìm tòi, thu thập các nguồn gene.

TS Sự nhớ lại, năm 1999, khi mới chuyển công tác từ Phó Trưởng bộ môn Di truyền sang làm Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học, ông có chuyến công tác ở Trung Quốc và lần đầu tiên trông thấy gà đen. Sau đó, trong chuyến đi Bắc Kạn, ông vô tình gặp và hỏi một nữ thú y người Tày thì được biết vùng này cũng có gà đen. “Nghe vậy tôi vui lắm. Trong người lúc đó còn 1 triệu đồng, tôi nhờ người mang 500.000 nghìn đồng đi mua gà trong rừng của người H’Mông. Thế nhưng khi đưa từ rừng ra huyện, gà không thích nghi được nên bị chết” - TS Sự kể.

Gà đen H'Mông.
Gà đen H'Mông.

Trong chuyến đi công tác Sơn La sau đó, TS Sự lại thấy gà đen lần nữa. Ông đã tách đoàn, ở lại một mình, lặn lội vào sâu trong bản của người H’Mông mua được 7 con gà đen rồi thuê xe chở về Hà Nội. Thời gian đầu, ông tự bỏ tiền túi để chọn lọc giống. Cứ ấp 10 quả trứng, ông lại phải chi cả triệu đồng tiền vắcxin để tiêm cho gà mẹ.

“Bạn cứ tưởng tượng một con vật nuôi hoang dã đương nhiên không phải 100 con sinh ra đều đen cả mà phải chọn con nào đen rồi nuôi tiếp. Phải chọn lọc từ từ, bỏ dần những con không muốn. Đây là giống gần như nguyên thủy, nhưng không nguyên vẹn nên phải chọn dần để ra một dòng như mình muốn” - TS Sự nói.


Đến nay, nhiều trang trại chăn nuôi gà đen H’Mông đã đi vào sản xuất đại trà. Nhiều người nông dân mang ơn TS Sự vì đã giúp họ làm giàu từ giống gà quý này. PGS Tiệu chia sẻ: “Giữ gene quý giúp nông dân giàu nhưng TS Sự không hề nghĩ lợi ích cá nhân, kể cả khi gia đình ông còn rất khó khăn. Hồi làm ở bộ môn cũng vậy, ông luôn nghĩ đến quyền lợi của mọi người, làm gì cũng chia sẻ những khó khăn với mọi người chứ không hề tính toán quyền lợi cho mình”.

Ngoài việc bảo tồn giống gà đen, TS Sự còn phát hiện ra giống gà xước, gà chân lông và 14 giống vật nuôi mới khác, góp phần cứu nhiều giống vật nuôi khỏi nguy cơ mất giống. Ông cũng là người trực tiếp tham gia chiến dịch cứu các giống lợn ỉ.

“Nghệ sỹ của nông dân” chia sẻ: “Tôi và đồng nghiệp đã giữ được 23 nguồn gene quý của động vật. Nhiều nguồn gene có thể làm kinh tế cho mình nhưng tôi không ham. Hạnh phúc đời làm khoa học của tôi đơn giản là giữ gene quý cho nông dân phát triển thôi. Cuộc đời có bao lâu, đăm chiêu làm gì cho mệt”.