Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính, thiên thạch 163899 sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần nhất từ trước tới nay vào đêm Giáng sinh.

thien-thach-co-the-xoa-so-mot-luc-dia-sap-luot-qua-trai-dat

Hình ảnh thiên thạch 163899, ghi lại ngày 4/12. Ảnh: NASA

Khối thiên thạch còn được biết với tên 2003 SD220có chiều rộng ước tính từ 0,8 km đến hơn 2,4 km. Mirror cho hay, các nhà khoa học tin rằng kích thước của thiên thạch này có thể còn lớn hơn, do phần khuất tối chưa được tính đến. Nếu va chạm trực tiếp với Trái Đất, thiên thạch có khả năng xóa sổ cả một lục địa.

Kích thước khổng lồ làm dấy lên lo ngại lực hấp dẫn lớn khi 2003 SD220 sượt qua Trái Đất có thể gây động đất và núi lửa phun trào. Tuy nhiên, thiên thể này không thật sự đến gần tới mức gây thảm họa. Lướt qua Trái Đất lần này, thiên thạch sẽ bay cách chúng ta 11 triệu km, gấp 28 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Để so sánh, UPI dẫn chứng, hồi cuối tháng 10, một thiên thạch lướt qua Trái Đất ở cự ly chỉ gấp 1,3 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng mà không hề ra gây tác động nào.

"Một lần nữa, chúng tôi khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy một thiên thạch hay bất cứ vật thể ngoài vũ trụ nào đang ở trong quỹ đạo có thể va chạm với Trái Đất", Paul Chodas, quản lý văn phòng theo dõi các vật thể gần Trái Đất của NASA cho biết trong một công bố đưa ra mùa hè năm nay. "Trên thực tế, không có vật thể nào được biết tới thời điểm này có cơ hội khả dĩ đâm vào hành tinh của chúng ta trong thế kỷ tới".

Trái với lo ngại của nhiều người, cuộc chạm trán thiên thạch đối với giới khoa học là một cơ hội tốt để thu được các hình ảnh từ radar trong những ngày trước Giáng sinh. Các nhà thiên văn học cũng có thể lên kế hoạch quan sát thiên thạch bằng kính viễn vọng.

thien-thach-co-the-xoa-so-mot-luc-dia-sap-luot-qua-trai-dat-1

Kích thước to lớn của thiên thạch làm dấy lên lo ngại cuộc chạm trán có thể gây động đất và núi lửa phun trào trên Trái Đất. Ảnh minh họa: Mirror

Trường hợp thiên thạch vụt qua mà không quan sát được, giới khoa học và những người đam mê thiên văn sẽ có thêm cơ hội trong vài năm tới.

"Sự xuất hiện năm 2015 chỉ là lần đầu tiên trong số 5 lần chạm trán thiên thạch này, trong đó khoảng cách tiếp cận là đủ gần để radar có thể phát hiện được", một nhà nghiên cứu thiên thạch của NASA cho biết.

"Thông qua các dữ liệu đo được nhờ radar, chúng ta có thể phát hiện thêm về hiệu ứng Yarkovsky", chuyên gia này nhận định. "Qua đó, đưa ra ước tính về khối thiên thạch - những thông tin quý giá cho sự hiểu biết về khối lượng và cấu trúc bên trong nó".

Hiệu ứng Yarkovsky là lực ảnh hưởng tới quỹ đạo khi thiên thạch bị đốt cháy và nguội đi do bức xạ Mặt Trời. Tác động này có thể làm thay đổi quỹ đạo của thiên thạch qua thời gian. Hiểu biết sâu hơn về hiệu ứng Yarkovsky là chìa khóa giúp đưa ra dự đoán chính xác hơn đường đi của thiên thạch trong tương lai.