Sản phẩm đoạt giải mang tên “Xây dựng thí nghiệm quan sát tác động của từ trường lên dòng electron từ vật liệu dễ tìm”.


Thầy Thành và hai học trò đoạt giải với thí nghiệm tác động của từ trường lên các hạt mang điện - Ảnh: Thanh Ba
Thầy Thành và hai học trò đoạt giải với thí nghiệm tác động của từ trường lên các hạt mang điện - Ảnh: Thanh Ba

Và “bộ ba” gặt hái thành tích trên về cho ngôi trường chuyên bậc nhất của tỉnh Quảng Nam là thầy Phan Công Thành (giáo viên tổ vật lý) và hai học trò Trần Tùng Dương, Trương Duy Nhất (lớp 11 chuyên tin).

Nhắc đến quá trình sáng tạo nên sản phẩm đoạt giải cao, thầy Thành kể: “Hàng chục năm đứng lớp đảm nhiệm bộ môn vật lý và thực hiện vô số thí nghiệm từ lý thuyết sách giáo khoa, thế nhưng thí nghiệm mô phỏng tác động của lực Lorenxơ lên hạt mang điện vẫn luôn đặt ra cho tôi một dấu hỏi rất lớn. Chính việc truyền đạt cho học sinh kiến thức chương này bằng lý thuyết “chay” là động lực thôi thúc tôi sáng tạo thí nghiệm. Vậy là đầu năm học 2014-2015, tôi cùng hai học trò chuyên tin nhưng mê mẩn với thí nghiệm khoa học xúc tiến dự án này”.

Sau khi lên ý tưởng và phân công nhiệm vụ, thầy Thành cùng hai cộng sự nhanh chóng bắt tay thu thập nguyên vật liệu để làm thí nghiệm khoa học được “thai nghén” từ rất lâu này.

Ròng rã một năm trời nghiên cứu, có trong tay đầy đủ linh kiện, nhưng khi tập trung vào khâu lắp ráp thì “bộ ba” thầy trò đau đầu với không ít chướng ngại vật cản trở sản phẩm hoàn thiện.

Giữa lúc bức bách nhất, vô tình tham quan phòng thí nghiệm tổ hóa học, thầy Thành bất giác thấy kim tiêm trên kệ chứa dụng cụ. Chính hình ảnh ấy đã giúp thầy nảy ra sáng kiến dùng xilanh 20cc làm ống chân không...

Trở về sau thành tích ấn tượng tại hội thi sáng tạo, ba thầy trò đề xuất đưa thí nghiệm này vào chương trình thực hành ngoài giờ lên lớp cho học sinh toàn trường và ngay lập tức nhận được cái gật đầu đồng ý của ban giám hiệu.

Chia sẻ về điều này, thầy Thành khoe: “Học sinh trong trường đã bày tỏ sự hứng thú với thí nghiệm còn mới toanh này. Tôi hi vọng thí nghiệm này sẽ nhanh chóng được ứng dụng phổ biến ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh và rộng hơn là toàn quốc”.