GS-TS Nguyễn Xuân Thắng là Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.


GS-TS Nguyễn Xuân Thắng sinh năm 1957 tại Nghệ An, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyên ngành kinh tế chính trị họcnăm 1979 và lấy bằng tiến sỹ kinh tế tại Nga vào năm 1993.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh Tài Nguyên Môi Trường
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng. Ảnh Báo Tài nguyên Môi trường.

Ông Thắng từng là cán bộ nghiên cứu của Viện Kinh tế học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Sau 3 năm nhập ngũ tại binh đoàn 12, ông làm việc tại Ban Kinh tế thế giới, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Viện MEMO, Viện Hàn lâm Khoa học Nga trong vòng 5 năm (1988-1993) và ở lại Nga làm cộng tác viên khoa học tại Viện MEMO đến năm 1995.

Trước khi, được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng từng đảm nhiệm các cương vị Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng khóa XI.

Các nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Xuân Thắng tập trung vào các chủ đề: Kinh tế Việt Nam, kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế.

GS-TS Thắng đã tham gia, chủ trì nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng cấp nhà nước, cấp bộ như: Tác động của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam; Lựa chọn chính sách phát triển dịch vụ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới của Việt Nam; Một số giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2011-2020; Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh: kinh nghiệm của Hàn Quốc và một số gợi mở cho Việt Nam...

Ông cũng là tác giả, chủ biên nhiều công trình đã xuất bản như: Kinh tế các nước công nghiệp chủ yếu sau chiến tranh thế giới thứ hai; Một số xu hướng phát triển chủ yếu của nền kinh tế thế giới hiện nay; Sự điều chỉnh chiến lược hợp tác kinh tế của các khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh mới; Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế ở ASEAN; Toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế đối với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam; Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2011 và triển vọng năm 2012; Văn kiện Đại hội XI của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn...