Vừa qua, khi thực hiện khai quật tại Di tích Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa), Viện Khảo cổ học phát hiện lớp văn hóa mộ táng và nhiều hiện vật tại đây.

Theo đó, từ ngày 20/4 đến 11/6, Viện khảo cổ học phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành công tác khai quật tại di tích Đông Sơn.

Qua khai quật và đánh giá sơ bộ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một lớp văn hóa mộ táng (mộ gạch và mộ đất), cùng với hơn 4.000 hiện vật gồm đồ sành sứ, gốm, gạch ngói, đá và đồ đồng. Trong số hiện vật đó chỉ còn một số lượng ít ỏi còn nguyên vẹn như: Dọi se chỉ bằng đất nung, bàn mài đá, nồi gốm, bát sành, gạch…, còn lại hầu hết là những mảnh vỡ.

Hình ảnh hố khai quật. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Hình ảnh hố khai quật. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Đây được xem là những tư liệu quý thể hiện tính liên tục của sự phát triển văn hóa Đông Sơn suốt thiên niên kỷ thứ I trước Công nguyên cho đến những thế kỷ đầu sau Công nguyên.

Ngoài ra, ở di tích Đông Sơn cũng tìm thấy những vết tích văn hóa thời kỳ đấu tranh chống xâm lược và thời phong kiến tự chủ Lý, Trần; phản ánh trình độ phát triển cao của người Việt cổ với các nghề thủ công chuyên ngành cao và sự phân hóa xã hội rõ nét.

Được biết, việc khai quật tại di tích Đông Sơn không chỉ nhằm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đông Sơn, phát triển tiềm năng du lịch, mà còn bổ sung tư tiệu xây dựng hồ sơ đề nghị vinh danh đây là Di tích Quốc gia đặc biệt.