Những hồi ức chân thực và sâu sắc của nhà văn Lê Minh Hà về quãng học hành thời thơ ấu và day học thời bao cấp chắc chắn đã chạm đến kí ức của nhiều người và đánh động suy nghĩ hôm nay.

Câu chuyện xoay quanh một vấn đề rất cốt lõi ở nhà trường: làm thế nào để các cá tính của người học được quyền tồn tại, phát triển một cách bình thường và làm thế nào để giáo viên, dưới quá nhiều áp lực, có thể sống bằng nghề, hơn nữa, yêu nghề?

1. Sinh năm 1962 tại Hà Nội, nhà văn Lê Minh Hà thuộc thế hệ nếm trọn dư vị đầu mùa của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, và liền đó, là những năm tháng chiến tranh phá hoại ác liệt. Lớn lên ở vùng sơ tán ven sông Đáy, sông Nhuệ, nhà văn tương lai bắt đầu những bài học đầu đời từ thầy giáo làng.

“Những câu chuyện bâng quơ ông kể - tác giả nhớ lại, như là một tự ngẫm nghĩ suốt cuộc đời nửa giáo học nửa nông dân của mình đã đánh thức trí nhớ ở đứa trẻ lên bốn, phủ suốt đời tôi như sương khói bình an của một thời không bình an”. Một đứa trẻ quá ấn tượng với người thầy không được chọn ấy, dường như, sẽ báo trước những suy nghĩ, nhận thức rất riêng mà chẳng mấy ai sớm nhận ra. Đến trường, vì thế, còn là cơ hội để đứa trẻ được bộc lộ và hi vọng thầy cô hiểu mình. Nhưng vào thời chiến, bom đạn luôn đổ trên đầu, “các thầy cô nghiêm khắc lắm, quyền uy lắm, và nhiều thầy cô hết lòng lắm, dù thật ra thì chúng ta không cần thế”.

Trong mắt cô học trò cấp hai, rồi cấp ba Lê Minh Hà, những cô giáo “không phải là lớn lên nhờ cách mạng, mà là đi qua cách mạng, giản dị hơn, và dịu dàng, và u sầu” bao giờ cũng đáng nhớ. Không hẳn vì họ dạy giỏi, nhiều yêu thương mà vì họ là hiện thân của sự “rất khác” so với nhiều phụ nữ sống ở Hà Nội khi đó, là “vẻ kiều diễm tự khép mình”. Cần phải để tâm đến các cảm nhận này, bởi nếu đã phàm là học sinh, bất luận thời nào, người học cũng đều tự cho mình quyền được “soi xét” các vị “đèn giời” là thầy cô đứng trên bục giảng.

Với những học sinh cá tính và sớm trưởng thành, họ càng vỡ lẽ điều gì là đáng nghe hoặc bỏ ngoài tai, điều gì nên làm theo và điều gì phải ngoảnh mặt. Trong bối cảnh mà nhà trường có khả năng đồng phục hóa rất cao thói quen người học, từ những bài hát, khẩu hiệu cho đến chuyện kết nạp đoàn đội, thì ô cửa tự do dễ chịu nhất, khoảng không gian riêng tư ít bị ràng buộc nhất, như Lê Minh Hà tự thuật, lại nằm ở sự đọc – đọc sách, nhất là sách văn chương.


2. Sự đọc đương nhiên cần thiết cho nhà văn tương lai. Nhưng phải mở ngoặc thêm, khi bục giảng không thỏa mãn nhu cầu được biết đầy đủ thì đọc là cách bứt phá, thâu nạp thêm những giá trị khác. Tôi tin Lê Minh Hà, người sau này là tác giả của những trang văn tinh tế, sâu sắc, đủ hấp dẫn vì giỏi giễu, thừa thông minh để đối thoại với các đường viền mặc định, là người đã đọc những Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân của Tự lực văn đoàn vốn bị gạt ra khỏi nhà trường, đã tìm đọc đọc Đỏ và đen, Hầm bí mật bên bờ sông Elber, Giết chết một con chim Mốc-king, Tam quốc chí diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Thủy hử vốn quá khó bên cạnh những Kép Tư Bền hay Gió lộng vốn quá quen.

Mới lớp sáu, sự đọc không trong chương trình ấy, hành động chỉ có thể giải thích rằng đứa trẻ đã tự nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn mình thay vì phải trông chờ thầy cô, lại nảy nở với Eugénie Grandet, Miếng da lừa, Những linh hồn chết, Chiến tranh và hòa bình…Mặc dù “còn lâu mới hiểu” nhưng giờ đây nhìn lại, Lê Minh Hà cho rằng “rất không nên giới hạn quá chặt chẽ đề tài sách vở cũng như hướng dẫn trẻ con chỉ đọc sách đúng lứa tuổi […] Cứ để cho trẻ đọc, cho chúng tự mò mẫm vào thế giới tự nhiên và thế giới tâm tình khác”. Bởi vì chữ nghĩa “có thể không làm ta may mắn và sung sướng, nhưng cho ta những hạnh phúc rất không ngờ, một cách vô cùng thực tế”.

Theo tôi, đó không chỉ là lời gan ruột đáng tin của cô trò đã kinh qua thời đoạn khá ngặt nghèo về mọi thứ, mà còn là nỗi niềm của cô giáo ít nhiều cũng đã có mươi năm theo nghề, và sau rốt, là nhắn nhủ của một người viết có trên dưới hai chục năm sống ở nước Đức, nơi dù sao cũng có cả núi thực tế dạy-học phải quan sát, ngẫm nghĩ.

3. Lê Minh Hà may mắn vượt qua nhiều quy định học đường một phần vì được thầy cô đánh giá đúng năng lực học, nhưng phần khác vì đã gặp dăm ba giáo viên hiểu rằng, nhân cách và tri thức của người học không phải là phép cộng của sự chăm chỉ đến lớp, biết nghe lời mà ít ra là hợp thành của những suy nghĩ cá nhân, biết tự lập, tự trọng.

Về sau, khi là cô giáo dạy Văn ở trường Hà Nội Amsterdam, Lê Minh Hà cũng để học sinh được “chọn” mình, nghĩa là có thể từ chối giờ dạy bằng cách ngủ ngon trong lớp. Bỏ qua tự ái, giáo viên cần phải thấy học sinh không thích giống như một lời đối thoại để mình bớt ảo tưởng về hiểu biết và quyền uy của mình. Sẽ vô bổ, vô nghĩa nếu biến giờ dạy thành “giờ học mang tính định hướng đạo đức […] những mánh khóe được truyền thụ mà cứ tưởng là kĩ năng sống hay là cách ứng xử ở đời”.

Việc biết ơn, nhớ đức dưỡng dục của thầy cô, bởi thế, nào chỉ vì thầy cô đã khai mở tâm trí mà hơn hết còn vì bản thân học trò được tôn trọng, đúng hơn là được tự do hình dung và chọn lấy cách thế sống, hiện hữu của mình. Vậy nên, đánh giá nhà giáo không phải ở chuyện “trang phục, hành ngôn chỉn chú đúng mực” mà cần nhận ra “chất nghệ sĩ trong hành vi và hành ngôn, với nghĩa nghiêm cẩn nhất”.

4. Lê Minh Hà rời xa nghề giáo vì sớm nhận ra những bất khả của mình. Không thiếu học trò yêu mến nhưng chị cũng biết nghề giáo, nếu yêu nghề, thì phải sống được bằng nghề mà không phải bị dằn vặt, áy náy hay vì những điều trông thấy làm đau đớn lòng.

Cuốn sách khép lại bằng một đề đạt và cũng là hi vọng: “Không có gì khác là làm sao cho người làm nghề sống được bằng nghề một cách đàng hoàng, không bị thảm hại dần vì nhu cầu sống. Thảm hại vì nghèo có khi còn không đáng ngại bằng thảm hại vì dấn thân làm giàu bằng nghề”. Nhưng có lẽ, trong thời điểm này, kháng cự sự thảm hại trong nghề giáo, bất luận ở môi trường nào, đều khó gấp bội phần so với việc gắn bó hay rời bỏ nó.