Trước nay chúng ta chỉ biết đến hai vệ tinh tự nhiên lớn quay quanh sao Hỏa là Phobos và Deimos. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của nhóm thiên văn học từ Bỉ, Pháp và Nhật Bản, thời cổ đại trên quỹ đạo hành tinh đỏ từng tồn tại một mặt trăng.

Để đi đến nhận định trên, các nhà khoa học áp dụng phương pháp mô phỏng máy tính để dựng lại vụ va chạm giữa sao Hỏa và một thiên thể có kích thước lớn cách đây 1 tỷ năm.

Ảnh minh họa vụ va chạm dẫn đến sự hình thành của Phobos, Deimos và mặt trăng của sao Hỏa. Nguồn: Huffingtonpost
Ảnh minh họa vụ va chạm dẫn đến sự hình thành của Phobos, Deimos và mặt trăng của sao Hỏa. Nguồn: Huffingtonpost

Kết quả quá trình này giúp họ đưa ra giả thuyết sao Hỏa từng có một mặt trăng lớn gấp nhiều lần Phobos và Deimos với đường kính khoảng 200km, hình thành theo cách tương tự Mặt trăng của Trái đất: Sao Hỏa bị tấn công bởi một hành tinh lớn, hình thành một đĩa xung quanh sao Hỏa với vô số mảnh vỡ. Sau vài nghìn năm, các mảnh vỡ này kết hợp lại tạo thành Phobos, Deimos và một mặt trăng lớn hơn. Khoảng 5 triệu năm sau, mặt trăng bị sức hút của sao Hỏa kéo ra khỏi quỹ đạo và đâm xuống bề mặt hành tinh này.

“Giả thuyết này có thể là đáp án cho câu hỏi tại sao hành tinh đỏ lại có hai thiên thể thay vì một mặt trăng lớn” - nhóm nghiên cứu viết. Cũng theo các nhà khoa học, số phận bị hủy diệt của mặt trăng sao Hỏa sẽ xảy ra với Phobos. Thiên thể này hiện chỉ cách bề mặt hành tinh đỏ 6.000km và dự kiến sẽ rơi xuống sao Hỏa trong 20-40 triệu năm nữa.

Các nhà nghiên cứu cho biết xác định tính chính xác của giả thuyết này là điều không khó. Bởi lẽ, mới đây Cơ quan Hàng không Nhật Bản (JAXA) đã công bố kế hoạch gửi một tàu thăm dò lên lấy mẫu của vệ tinh Phobos trong tương lai không xa.

Nếu giả thuyết của nhóm nghiên cứu là chính xác, một nửa số vật liệu trên các thiên thể Phobos và Deimos hiện tại là có nguồn gốc từ hành tinh đỏ.

Một khả năng khác là rất có thể dấu vết của mặt trăng xấu số vẫn còn tồn tại trên bề mặt sao Hỏa. Theo các nhà nghiên cứu, có thể Borealis - hố thiên thạch khổng lồ trên mặt của sao Hỏa - là tàn dư của vụ va chạm từ thời cổ đại góp phần hình thành mặt trăng kể trên.

Benjamin Black - một nhà khoa học hành tinh thuộc Đại học New York (Mỹ) - cho biết lý thuyết mới rất quan trọng và thú vị. “Nó cho chúng ta thấy vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về cách mặt trăng hình thành và phát triển, thậm chí là mặt trăng ở hành tinh gần với Trái đất nhất” - ông Black cho biết.

Kết quả nghiên cứu về sự hình thành của Phobos, Deimos cũng như giả thuyết về mặt trăng của sao Hỏa vừa được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.