Với thế mạnh là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, Chính phủ Thái Lan và các công ty bắt đầu chuyển hướng đưa quốc gia này trở thành “bếp ăn công nghệ cao của thế giới”.

Trong 60 năm qua, Thái Lan đã liên tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi nền nông nghiệp từ sản xuất quy mô nhỏ sang quy mô lớn công nghiệp và hiện đại hóa ngành chế biến thực phẩm. Để góp phần thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ liên quan đến hai lĩnh vực quan trọng này, Chính phủ Thái Lan kiên trì áp dụng các chính sách hỗ trợ người nông dân trong công cuộc chuyển đổi này, từ cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của chính phủ đến việc hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và chế biến nhằm đảm bảo sự an toàn thực phẩm và và chất lượng sản phẩm theo chuỗi.

Với cách làm đó, Thái Lan là nơi xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, cung cấp nhiều mặt hàng gạo, sắn, cá ngừ đóng hộp, dứa… cho các đối tác thương mại chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc và Canada.

Đổi mới hệ sinh thái nông nghiệp

Chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến này của Thái Lan nằm trong khuôn khổ của Thailand 4.0 – một mô hình được thiết kế nhằm chuyển đổi nền kinh tế đất nước thông qua những khoản đầu tư lớn vào công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Nhằm đẩy nhanh quá trình chuẩn bị cho Thái Lan trở thành “bếp ăn” công nghệ cao.

Để thực hiện kế hoạch, Chính phủ Thái Lan đã giao cho Ủy ban Đầu tư Thái Lan (Thailand Board of Investment – BOI) nhiệm vụ hỗ trợ các công ty thành lập các cơ sở sản xuất hiện đại, trong đó có các biện pháp miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 30 năm, cấp giấy phép sở hữu đất, cấp visa và giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài.

Nơi đóng gói gạo nhà máy CP Thai. Nguồn ảnh: thailandredcat.com

Trong năm 2017, BOI đã nhận được 215 đơn đăng ký mới cho các dự án liên quan đến nông nghiệp và chế biến nông sản trị giá hơn 62 tỷ bạt (1,9 tỷ USD). Nhiều dự án mới đã được chính phủ “bật đèn xanh” ứng dụng các công nghệ về nông nghiệp (AgriTech) và công nghệ thực phẩm (FoodTech), trong đó trụ cột của AgriTech là canh tác thông minh dựa trên các công nghệ GPS, tự động hóa và phân tích dữ liệu để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, chính phủ cũng đặt mục tiêu ươm tạo các dự án AgriTech lớn và các dự án về công nghệ thực phẩm có sự tham gia của các viện nghiên cứu tại Công viên khoa học Thái Lan (TSP). Hiện có tới 35 doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở TSP, trong đó có cả Thai Union Group, một trong những nhà chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới.

Hệ sinh thái bền vững

Để đảm bảo sự bền vững của hệ sinh thái này, Chính phủ Thái Lan quan tâm đến lực lượng lao động với hai thành phần chính: các nhà nghiên cứu, sinh viên trong trường, viện và các nông dân. Ở cả hai nhóm đối tượng này, Thái Lan đều gặp một số thuận lợi nhất định mà đầu tiên là đội ngũ các chuyên gia công nghệ sinh học làm việc trong các trường, viện nghiên cứu.

Sau vài chục năm ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, họ đều rất giỏi nghề và tạo ra nhiều ứng dụng tốt, ví dụ các nhà nghiên cứu ở Chiang Mai đã dùng công nghệ đánh dấu phân tử để tạo ra hạt giống có thời gian phát triển ngắn. Bên cạnh đó, 24 trường đại học Thái Lan có thể đào tạo trên 7.000 sinh viên ngành công nghệ sinh học mỗi năm để cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty trong hai lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.


Mặt khác, nông dân Thái Lan – lực lượng chiếm hơn 40% dân số, đã có tư thế sẵn sàng trong trải nghiệm những loại giống mới, máy móc thiết bị nông nghiệp và phương pháp canh tác mới… Họ đã có ít nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp chính xác thông qua việc hợp tác, cung cấp nguyên liệu với những công ty thực phẩm lớn nên cũng nắm bắt được những yêu cầu số công nghệ số, điều mà nông dân ở nhiều quốc gia khác không có được.

Tuy nhiên, không vì thế mà Chính phủ Thái Lan yên tâm. Họ đã tạo ra nhiều cơ hội khác cho người nông dân như tăng cường tiếp cận tín dụng cho người nông dân để áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và đóng gói trong dây chuyền sản xuất thực phẩm. Viện Thực phẩm Quốc gia (NFI) là đơn vị chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách hỗ trợ và kiểm tra các đơn vị sản xuất các sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.

Sự chủ động của doanh nghiệp

Với trọng tâm là tăng năng suất, Thái Lan mong muốn thu hút các nhà sản xuất thực phẩm mới, ngoài việc giúp các công ty thực phẩm hiện có thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm của Thái Lan. Tuy nhiên, dù là công ty đã có tên tuổi hay những nhà cung cấp mới thì chính phủ đều mong muốn họ giữ thế chủ động là áp dụng thử nghiệm robotic, cảm biến tự động, thiết bị bay không người lái để tăng cường năng suất và cắt giảm chi phí.

Điển hình là Thai Union - công ty hoạt động 41 năm xuất phát từ dây chuyền sản xuất cá ngừ đóng hộp và đã thu mua một số thương hiệu cá ngừ đóng hộp lớn nhất thế giới, như Chicken of the Sea năm 2006 và King Oscar năm 2014, đã thành lập Vườn ươm Đổi mới toàn cầu (GII) tại Bangkok vào năm 2015 để kết nối khách hàng, hãng hải sản hàng đầu thế giới và thiết lập mối quan hệ đối tác với Đại học Mahidol.

Với ý tưởng dẫn đầu đổi mới sáng tạo ngành hải sản, Thai Union khởi động SeaChange, một chương trình các bước truy nguồn số nhằm chuyển giao thông tin nhà cung cấp và tạo nhiều mối liên kết hơn thông qua dây chuyền cung cấp. GII cũng có nhiều bộ phận đổi mới sản phẩm phục vụ đáp ứng yêu cầu sản xuất đồ hải sản mới như cá ngừ thái lát và xúc xích cá.

Dù có khoảng 49,000 công nhân nhưng Thai Union dự định sử dụng nhiều hệ thống tự động hơn trong các nhà máy trong tương lai.