Ung thư là một mặt xấu xí của chọn lọc tự nhiên, nó có thể tốt cho sự tiến hóa của cả loài, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến các sinh vật riêng lẻ. Ung thư được tạo nên từ sự phát triển mất kiểm soát của những tế bào bên trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số số liệu thống kê đáng tin về những loại đột biến gây ra các loại ung thư khác nhau. Họ thấy rằng, trung bình phải mất từ ​​một đến mười đột biến để một tế bào từ thể bình thường chuyển sang ung thư.

Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Viện Wellcome Trust Sanger ở Anh. Họ phân tích hơn 7.600 khối u đại diện cho 29 loại ung thư để xác định những đột biến khiến khối u trở nên nguy hại cho cơ thể.

Họ so sánh sự thay đổi di truyền trong khối u với những mô khỏe mạnh, cũng như giữa những cá thể cùng thế hệ ở các loài khác nhau. Kết quả cho thấy, sự tiến hóa của một loài và sự phát triển của bệnh ung thư có một số điểm chung. Cả hai quá trình đều là kết quả của các biến thể tự sao chép chính nó với số lượng lớn – lớn hơn những thành phần khác trong quần thể.

Nhưng nghiên cứu chỉ tập trung làm nổi bật một khác biệt đáng kể. Đối với cá thể ở bất kỳ loài nào, các đột biến dẫn đến sự thay đổi về thể chất có thể gây hại hoặc không, nhưng chúng lại gây ra sự gián đoạn cho một số quá trình sinh học.

Tế bào biến thành ung thư chỉ qua một bước đột biến đơn giản - 1

Đột biến gây ra ung thư chỉ qua một bước (Ảnh:Juan Gaertner)

Chọn lọc tiêu cực khiến đột biến có hại hơn là có lợi, vì vậy chúng có xu hướng bị loại bỏ ra khỏi quần thể. Tuy nhiên các tế bào đơn lẻ thường mang đột biến trong cơ thể, vì nếu không - khi thừa hưởng đột biến từ quá trình thụ thai, tế bào sẽ gặp nguy hiểm. Điều đó khiến hầu hết các đột biến trong cơ thể chúng ta là chọn lọc tích cực.

Nhưng khi các tế bào ra sức “thu thập” các đột biến, thì cơ thể khó có thể kiểm soát được quá trình sao chép của tế bào. Có một số gene chịu trách nhiệm ngăn chặn sự sao chép tràn lan này, được gọi là các gen ức chế khối u. Nhưng chúng cũng đành “bó tay” trước các đột biến, khiến những tế bào ung thư được sao chép mà không trải qua quá trình kiểm tra.

Các nhà nghiên cứu có hiểu biết về sự phát triển của ung thư nói chung và hiểu được vai trò của nhiều gene cụ thể nhưng họ vẫn còn mù mờ về sự kết hợp giữa các gene đột biến gây ung thư và những gene tiêu diệt ung thư.

"Chúng tôi đã giải quyết câu hỏi về nghiên cứu ung thư được đặt ra từ những năm 1950, đó là: cần bao nhiêu đột biến để một tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư?”, nhà nghiên cứu Peter Campbell thuộc Viện Wellcome Trust Sanger nói.

Các nhà nghiên cứu đã tiến so sánh quá trình phát triển của các loại ung thư khác nhau ở các độ tuổi nhất định. Vì họ cho rằng một số khối u cần một vài năm để “gom góp” đủ số đột biến. Và đây là lần đầu tiên số liệu chính xác được đưa ra, hóa ra số đột biến mà tế bào cần để biến thành ung thư thấp đến mức đáng ngạc nhiên.

Ông Campbell cho biết: "Chẳng hạn, một bệnh nhân bị ung thư gan có khoảng 4 đột biến, trong khi ung thư đại trực tràng thường đòi hỏi phải có 10 đột biến hoặc nhiều hơn. Nhưng đối với ung thư tuyến giáp giai đoạn I, 1 đột biến duy nhất là quá đủ!"

Bằng cách lập danh mục gen, các nhà nghiên cứu có thể dự đoán được thời gian mà chúng ta có danh sách đầy đủ về các gene gây ung thư. Nhà nghiên cứu Inigo Martincorena của Viện Wellcome Trust Sanger, cho biết: "Qua nghiên cứu, chúng tôi đã công bố khoảng một nửa số đột biến chính gây ra ung thư. Điều quan trọng là những đột biến này xảy ra ở những gene chưa hề được xác định là gene ung thư”.

Nhiều gene quan trọng liên quan đến ung thư đã được khám phá, nhưng còn nhiều gen khác đang ẩn mình chờ các nhà khoa học tìm đến. May mắn là những nghiên cứu như thế này sẽ giúp chúng ta phát hiện ra chúng.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cell.