Đầu năm 2019, tàu vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc đổ bộ thành công xuống nửa tối của Mặt trăng, khu vực không thể nhìn thấy trực tiếp từ Trái đất.

Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc trên Mặt Trăng. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tàu thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc trên Mặt Trăng. Ảnh: Tân Hoa Xã

Địa điểm hạ cánh là miệng hố Von Kármán rộng 186 km tại vùng trũng cực Nam – Aitken. Nơi đây từng xảy ra một vụ va chạm lớn giữa Mặt Trăng với một tiểu hành tinh khổng lồ, khiến thành phần vật chất của lớp phủ (lớp manti) bị đẩy lên trên bề mặt.

Mặt trăng, giống như Trái đất, có cấu tạo gồm ba lớp: lớp vỏ ngoài cùng, lớp phủ ở giữa và trong cùng là lõi. Lớp vỏ Mặt trăng được làm chủ yếu từ plagiocla, hoặc nhôm silicat, nhưng thành phần của lớp phủ cho đến nay vẫn là điều bí ẩn.

Sau khi robot tự hành Thỏ Ngọc 2 của tàu vũ trụ Hằng Nga 4 tiến hành phân tích đất đá tại miệng hố Von Kármán bằng máy đo quang phổ, nó phát hiện thành phần lớp phủ Mặt trăng chứa hai khoáng vật olivin và pyroxen. Hai khoáng vật này được tìm thấy trong nhiều loại đá magma và đá biến chất.

Các nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Thiên văn Quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố những phát hiện mới trên tạp chí Nature vào tháng 5/2019.