Những con vật bị nhân bản vô tính thường bị lỗi gene nên dễ mắc bệnh tật và chết sớm, hoặc phải chấp nhận “cái chết nhân đạo”. Hãy tưởng tượng điều đó xảy ra với con người được nhân bản.


Tuyên bố gây lo sợ của Công ty Trung quốc

Việc công ty Trung Quốc Boyalife Group mới đây tuyên bố xây dựng một nhà máy nhân bản vô tính động vật và trong tương lai có thể nhân bản người đã tạo ra cơn bão chỉ trích nặng nề và một lần nữa thổi bùng mối lo ngại về vấn đề này.

Theo đó, nhà máy này sẽ được xây ở thành phố Thiên Tân và dự kiến đi vào sản xuất từ giữa năm 2017. Mục tiêu của nhà máy là đến năm 2020 sẽ tạo ra hàng triệu con bò nhân bản vô tính cùng hàng loạt ngựa đua thuần chủng, thú cưng và chó nghiệp vụ cũng bằng phương pháp này.

Boyalife Group đã hợp tác với công ty Hàn Quốc Sooam, đứng đầu là nhà khoa học Hwang Woo Suk - người từng tuyên bố đã nhân bản thành công phôi người đầu tiên trên thế giới và Học viện Khoa học Trung Quốc để nâng cao khả năng nhân bản vô tính các loài linh trưởng, dùng cho mục đích nghiên cứu. Ông Xu Xiaochun - Giám đốc Boyalife Group - khẳng định, điều duy nhất khiến công ty chưa nhân bản vô tính người là nguy cơ bị dư luận phản đối. Nhiều nhà khoa học lo sợ rằng việc chuyển từ nhân bản vô tính linh trưởng sang nhân bản người tại Công ty Boyalife Group vô cùng dễ.

Viễn cảnh nhân bản vô tính người sẽ gây ra nhiều hệ lụy trên khía cạnh đạo đức. Ảnh: Greathdgallery
Viễn cảnh nhân bản vô tính người sẽ gây ra nhiều hệ lụy trên khía cạnh đạo đức. Ảnh: Greathdgallery

Nhân bản vô tính vốn chẳng hề xa lạ. Từ năm 1952, các nhà khoa học đã nhân bản vô tính thành công một con nòng nọc. Đến năm 1996, cả thế giới sửng sốt khi hay tin động vật có vú đầu tiên đã được nhân bản thành công - đó là cừu Dolly. Đến nay, rất nhiều loài động vật đã được nhân bản, trong đó có chuột, bò và dê.

Ở một số khía cạnh, nhân bản vô tính đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học. Chẳng hạn, liệu pháp nhân bản vô tính tế bào gốc của bào thai để tạo mô mới thay thế cho các mô nội tạng bị phá huỷ đang ngày càng trở nên hữu dụng. Đặc biệt, thành công trong việc nhân bản tế bào gốc của người trưởng thành năm 2014 là bước tiến lớn trong việc nghiên cứu và ứng dụng liệu pháp nhân bản vô tính trong y học.

Tại sao nhân bản người bị cho là vô đạo đức?

Về kỹ thuật, nhân bản người không khó. Sở dĩ đến nay chưa có tài liệu nào ghi nhận ca nhân bản người đầy đủ là do bị cản trở bởi vấn đề đạo đức. Nếu như với các động vật khác, nhà nghiên cứu có thể sử dụng hàng nghìn trứng để thí nghiệm thì với linh trưởng, trong đó có loài người, trứng là nguồn tài nguyên không dễ có.

Tuy nhiên, lý do chính khiến giới khoa học chưa tiếp tục nhân bản ra một người hoàn thiện là quá trình này có tỷ lệ rủi ro vô cùng lớn. Ở loài vật, chỉ khoảng 1% số cá thể nhân bản sống sót và thường có sức khoẻ rất kém. Nhiều con sinh ra với bất thường gene khiến việc cấy phôi vào tử cung trở nên khó khăn, dễ gây sẩy thai. Đây cũng là lý do những con vật nhân bản thường chết sớm hoặc được “hoá kiếp” sớm. Nguyên nhân được lý giải là do các bào thai nhân bản chỉ có bố hoặc mẹ, thay vì cả hai. Ngoài ra, quá trình cấy phôi vô tính có thể tạo ra nhau thai quá khổ, khiến máu khó lưu thông bình thường, bào thai khó phát triển. Việc để cho những tình huống này xảy ra với bào thai người là một điều đáng sợ, khó chấp nhận về mặt đạo đức.

Đa số các nhà khoa học phản đối nhân bản vô tính người. “Rất nhiều người coi nhân bản vô tính người là một việc rất đáng ghê tởm, không tự nhiên và đáng lo ngại” - nhà đạo đức sinh vật học Kery Bowman, thuộc Đại học Toronto, Canada - cho biết.

“Nhân bản vô tính cũng giống như đưa một đứa trẻ lên một quả tên lửa mà ta biết rõ tên lửa ấy có 50% khả năng bị nổ tung” - TS Robert Lanza - Giám đốc phòng thí nghiệm Advanced Cell Technology chuyên về các liệu pháp tế bào để chữa bệnh cho người, nơi từng nhân bản vô tính động vật - nói.

Trên tạp chí The New Atlantis, Hội đồng Witherspoon về các vấn đề đạo đức và sự toàn vẹn của khoa học Mỹ đề cập tới việc tạo ra một em bé nhân bản vô tính và cho rằng đây là một quá trình đầy rủi ro, chưa kể nó cũng vô tình cướp mất của em cơ hội có cả cha lẫn mẹ. Viễn cảnh tạo ra một em bé hoàn hảo theo ý nguyện của cha mẹ có thể được đáp ứng, nhưng cũng dễ dẫn tới phủ nhận những em bé được tạo ra nếu không giống hình mẫu mà người ta kỳ vọng.

Cũng trong bài viết này, Hội đồng Witherspoon lên án việc dùng công nghệ nhân bản vô tính người để phục vụ nghiên cứu y sinh học, cho đây là một hành động vô đạo đức. Theo họ, khi đó việc sinh sản của loài người đã bị biến tướng thành một quá trình sản xuất sản phẩm; các bào thai bị đối xử như những vật liệu thô cho quá trình cung ứng vật liệu để phục vụ nghiên cứu y sinh học.

Mặc dù vậy, nhiều nhà khoa học - trong đó có giáo sư ngành sinh học phân tử Lee Silver thuộc Đại học Princeton, Mỹ - cho rằng với công nghệ sẵn có, trong tương lai khó mà tin rằng sẽ không có nhà bác học nào cố gắng thử tạo ra người nhân bản vì mục đích nổi tiếng. Và việc ngăn nhân bản vô tính người từ lý thuyết trở thành thực tiễn cần sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học.

Các nhà khoa học từng thành công trong việc nhân bản vô tính một bào thai người từ tế bào da của trẻ sơ sinh và người lớn. Tuy nhiên, những bào thai này chưa bao giờ được phép phát triển đầy đủ để thành người.