Nếu muốn loài gấu trúc không bị tuyệt chủng vì tỷ lệ sinh sản quá thấp thì cần để chúng được tự do chọn bạn tình để có hứng thú hơn đối với việc giao phối. Đó là kết luận của một nghiên cứu ở Mỹ.


Gấu trúc nổi tiếng là loài sinh sản rất kém và tỷ lệ chết non cao. Cùng với việc môi trường sống ngày càng bị thu hẹp, đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến loài thú này đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Tình yêu” giúp gấu trúc hứng thú hơn trong chuyện giao phối. Ảnh: Zoolike
Tình yêu” giúp gấu trúc hứng thú hơn trong chuyện giao phối. Ảnh: Zoolike

Chuyện sinh nở của gấu trúc khiến không ít nhà khoa học đau đầu bao nhiêu năm qua. Các nhà bảo tồn động vật Trung Quốc từng tiến hành rất nhiều biện pháp để gấu trúc hứng thú hơn trong chuyện “yêu”. Họ dạy chúng những bài tập thể dục có lợi cho việc giao phối, thậm chí là chiếu phim hai con gấu trúc ngoài tự nhiên đang làm “chuyện ấy” để chúng “noi gương”… Những nỗ lực này đều không mang lại hiệu quả nào đáng kể.

Một nghiên cứu vừa công bố của Trung tâm Nghiên cứu động vật hoang dã PDXWildlife ở Portland (Mỹ) đã mở ra hy vọng giải quyết vấn đề này.

Nhà khoa học Meghan Martin-Wintle và các đồng nghiệp đã nghiên cứu hành vi giao phối của 40 con gấu trúc thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Bifengxia ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Họ phát hiện, tỷ lệ giao phối thành công tăng đột biến khi những con gấu trúc đực và cái được tự do lựa chọn bạn tình mình ưa thích. Tỷ lệ đó thậm chí còn tăng cao hơn nữa khi cả hai con gấu trúc cùng có cảm tình với nhau.

Các nhà khoa học tạo điều kiện để gấu trúc tự do lựa chọn đối tác giao phối bằng cách đặt nó vào một khu vực riêng biệt, ngăn cách nó với hai con gấu trúc khác giới khác bằng những ô cửa có chấn song sắt. Nếu có tình cảm với một trong hai đối tượng, con gấu trúc sẵn sàng biểu lộ điều này thông qua những hành vi đặc biệt như tăng cường phát ra tiếng kêu khi tiếp xúc, đánh dấu mùi hương tại khu vực tiếp xúc…

Sau đó, hai con gấu trúc thích nhau được tiếp xúc. Kết quả là nỗ lực giao phối thành công tăng từ 0% (đối với cá nhân chúng không thích - PV) lên đến 80%. Cụ thể, trong 12 lần thử nghiệm có 10 lần giao phối thành công.

“Phương pháp này cho hiệu quả lớn, nhưng cũng bộc lộ nhược điểm của nó. Đó là việc tự do lựa chọn bạn tình có thể dẫn đến tình trạng giảm đa dạng nguồn gene ở loài này. Tuy nhiên, nếu giải quyết được vấn đề đó bằng cách khuyến khích những con gấu phù hợp về di truyền giao phối với nhau, chúng ta vẫn có thể tăng số lượng loài này mà không làm giảm sự đa dạng về gene” - nhóm tác giả cho biết.