Sau khi con người chết đi, một số gene bên trong cơ thể vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong khoảng hai ngày.

su-song-van-tiep-dien-trong-co-the-2-ngay-sau-khi-chet

Một số tế bào vẫn còn sống và tự sửa chữa sau khi con người chết đi. Ảnh: Katarzyna Bialasiewicz.

Cái chết của con người giống quá trình tắt chậm của một chiếc máy tính hơn là sự bật tắt tức thời của công tắc đèn, theo Fox News. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Open Biology hồi cuối tháng 1, các nhà khoa học tại Đại học Washington, Mỹ, phát hiện nhiều gene trong cơ thể vẫn duy trì sự sống khoảng hai ngày sau khi tim ngừng đập.

Khi tìm hiểu cái chết của những con chuột và cá ngựa vằn, nhóm nghiên cứu nhận thấy hoạt động của đa số các gene giảm xuống. Nhưng 548 gen cá ngựa vằn và 515 gene chuột có mức độ hoạt động mạnh mẽ của ARN thông tin (mARN), kéo dài 48 giờ sau khi con vật chết. Họ gọi đó là "hoàng hôn của cái chết".

"Không phải tất cả tế bào chết đi sau khi sinh vật qua đời. Các loại tế bào khác nhau có tuổi thọ, thời gian phân chia, khả năng phục hồi sau căng thẳng khác nhau. Nhiều khả năng một số tế bào vẫn còn sống và cố gắng tự sửa chữa bản thân, đặc biệt là tế bào gốc", Seeker dẫn lời Peter Noble, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Noble tin rằng quá trình tương tự cũng xảy ra ở người. Những gene hoạt động trên có mối liên hệ với sự phát triển của thai nhi, khả năng miễn dịch, bệnh viêm nhiễm và ung thư. Các tế bào có thể "cố gắng tự sửa chữa" giống như cơ thể vẫn còn sống.

Theo nhóm nhiên cứu, một số gene bị kích hoạt do chúng có cơ chế tự ngăn chặn chính mình thoát khỏi sự ngừng hoạt động. Hiện tượng này giải thích lý do tại sao người được ghép tạng dễ mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, phép đo mARN trong cơ thể một người sau khi chết có thể tính toán thời điểm người đó tử vong, chính xác đến từng phút.