Cụm từ “Công nghiệp 4.0” (Industry 4.0) hay “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã thực sự làm nóng tất cả các diễn đàn công nghệ trên toàn cầu và Việt Nam.

Vậy doanh nghiệp Việt - đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) - đã chuẩn bị gì về tâm thế, hành động, thái độ đón đợi hay chùn bước? Đây là câu hỏi bỏ ngỏ với SME trước ngưỡng cửa xã hội thông minh - một viễn cảnh lớn của kỷ nguyên cách mạng 4.0.

Xu hướng công nghệ trong kỷ nguyên 4.0

Công nghệ trong kỷ nguyên mới đã thực sự biến hình và rất khó nhận ra dưới nhãn quan cũ. Kỷ nguyên 4.0 có 3 xu hướng rõ ràng: Quy mô công nghệ do thị trường đòi hỏi ngày càng lớn; tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng cao; đầu tư vào công nghệ ngày càng tốn kém, vượt quá năng lực tài chính của một tổ chức. Chính vì vậy, nó cũng có những đặc điểm khác biệt sau:

1. Sự chuyển dịch tri thức: Tri thức chuyển dịch mạnh trong cộng đồng. Nó không chỉ là câu chuyện nội bộ của một doanh nghiệp nào đó mà bao gồm cả sự chuyển dịch giữa các tổ chức, thông qua hoạt động liên kết, liên minh trong nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm đẩy nhanh việc phát hiện các ý tưởng tiềm năng và rút ngắn quá trình nghiên cứu sau này thông qua việc kế thừa kết quả nghiên cứu của nhau.

2. Sản phẩm trí tuệ đồng sở hữu: Trước đây, mọi quá trình R&D được thực hiện bên trong tổ chức, các sản phẩm trí tuệ có tính tiên phong và độc quyền. Trong kỷ nguyên mới, sáng chế được hình thành trên cơ sở hợp tác nhiều cơ sở R&D, hoặc nhiều nhà đầu tư cùng đầu tư và phân chia lợi ích khi khai thác sáng chế. Trong nhiều trường hợp, sáng chế mới được tích hợp kế thừa các sáng chế trước đó, do đó kết quả cuối cùng thể hiện rõ sự phân chia lợi ích cho tất cả những chủ sở hữu sáng chế có tham gia hình thành sáng chế mới.


3. Trí tuệ đám đông: Tri thức được khai thác tối đa, là hội tụ tiềm lực của nhiều người, nhiều tổ chức để đổi mới sáng tạo (ĐMST), có trường hợp là sự huy động mang tính chất xã hội, được coi là ĐMST dựa trên trí tuệ đám đông.

4. Liên minh, liên kết, tạo mạng lưới R&D: ĐMST tạo môi trường thiết lập các liên kết trong R&D hay hình thành cách liên minh không chỉ trong một lĩnh vực, một khu vực mà có thể đa lĩnh vực, đa quốc gia. Điều này kéo theo việc hình thành xu hướng R&D, mô hình kinh doanh và văn hóa mới trong ĐMST.

5. Chia sẻ nguồn lực tài chính: Các nguồn lực tài chính được chia sẻ từ rất sớm ngay khi hình thành ý tưởng thông qua việc đầu tư mạo hiểm. Điều này giúp các tổ chức R&D sớm có tiềm lực để hiện thực hóa các ý tưởng tiềm năng. Việc chia sẻ tài chính cũng được thực hiện thông qua thương mại các sản phẩm trí tuệ - thường là sáng chế. Điều này giúp các tổ chức R&D thu được một phần tiền qua việc bán sáng chế, giảm các chi phí cho các hoạt động R&D rủi ro cao bằng cách mua lại sáng chế của người khác. Quá trình thu lợi nhuận cũng được chia sẻ trên cơ sở các đóng góp đầu tư trước đó. Chia sẻ tài chính là yếu tố quan trọng giúp hình thành các công nghệ quy mô lớn, đạt ĐMST triệt để, toàn diện.

Thách thức của SME

Năng lực công nghệ nội sinh cùng các yếu tố về năng lực quản trị, văn hoá nội bộ hay mô hình kinh doanh đang tạo rào cản cho doanh nghiệp SME Việt Nam trước kỷ nguyên cách mạng 4.0. Ngoài thách thức về nguồn lực tài chính, có thể dễ dàng nhận thấy một số rào cản cơ bản khác, chẳng hạn trong một liên minh đổi mới công nghệ thực sự, khó tìm được ai sẽ là người chủ trì (vấn đề này còn có nguyên do từ văn hóa nhỏ lẻ phổ biến ở Việt Nam). Khi khai thác tối ưu nguồn nhân lực bên trong và bên ngoài, lãnh đạo sẽ phải đối mặt với các vấn đề về lựa chọn nguồn lực, như ai tham gia, ai sẽ bị loại bỏ.

Ngoài ra, còn phải tính đến các rào cản từ nội bộ khi áp dụng mô hình ĐMST do sự bảo thủ của phương thức truyền thống, những hoài nghi khi chuyển đổi, các vấn đề liên quan đến văn hóa nội bộ của tổ chức khi chuyển dịch từ văn hóa đóng sang văn hóa cộng đồng.Do đó, doanh nghiệp cần nhận thức rõ thực tiễn, thừa nhận thực trạng, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Đồng hành cùng phát triển, tạo cơ hội tăng tốc là cách lựa chọn thông minh, hướng tới một nền công nghiệp sáng suốt trong tương lai gần.


Một vài gợi ý cho doanh nghiệp SME để sẵn sàng đối diện với cách mạng 4.0, trước khi đầu tư vào đổi mới công nghệ: Tái cấu trúc mô hình hoạt động, xây dựng mô hình kinh doanh mới trên nền tảng đổi mới và tăng cường kết nối cộng đồng; tăng cường xem xét, tìm hiểu mô hình đổi mới sáng tạo mở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, coi đây là nền tảng quan trọng giúp hình thành cơ chế và thúc đẩy việc kết nối cộng đồng.