Các nhà khoa học vừa công bố bằng chứng về việc ngọn núi lửa khổng lồ Fogo thuộc quần đảo Cape Verde (Tây Phi) sụp đổ vào khoảng 73.000 năm trước, gây ra một cơn sóng thần khủng khiếp cao tới 243,84m. Họ cũng không loại trừ khả năng thảm họa này sẽ lặp lại.

Núi lửa Fogo sụp đổ được cho là nguyên nhân gây thảm họa sóng thần lịch sử. Ảnh: NASA
Núi lửa Fogo sụp đổ được cho là nguyên nhân gây thảm họa sóng thần lịch sử. Ảnh: NASA
Tác giả chính của nghiên cứu này là nhà khoa học Ricardo Ramalho thuộc Đại học Columbia (Mỹ). Vài năm trước, khi ông và một số đồng nghiệp làm việc trên đảo Santiago - cách Fogo khoảng 55km - đã phát hiện những khối đá bất thường nằm cách bờ biển khoảng 609,6m và cao 198m so với mực nước biển. Một số khối nặng tới 770 tấn.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận một cơn sóng thần cực lớn đã đưa chúng từ bờ biển lên vị trí hiện tại. Bằng cách tính toán năng lượng cần để di chuyển những khối đá này, ông Ramalho và đồng nghiệp chỉ ra rằng cơn sóng thần này đạt chiều cao lịch sử tới 243,84m. Đây là con số khủng khiếp bởi lẽ các cơn sóng thần gây hậu quả lớn tại Ấn Độ Dương (năm 2004) và miền Đông Nhật Bản (năm 2011) cũng chỉ cao có 30m.
Các nhà khoa học dùng phương pháp đo nồng độ khí hêli để xác định thời điểm diễn ra thảm họa là 73.000 năm. Nguyên nhân là do ngọn núi lửa khổng lồ Fogo thuộc quần đảo Cape Verde đã sụp đổ.
“Quan điểm của chúng tôi là việc một núi lửa lớn sụp đổ một cách nhanh chóng có khả năng gây ra những đợt sóng thần khổng lồ” - ông Ricardo Ramalho cho hay.
Trong khi đó, Giáo sư Bill McGuire thuộc Đại học College London - người không tham gia nghiên cứu - cho biết nghiên cứu này đã “cung cấp bằng chứng thuyết phục về sự hình thành siêu sóng thần và chứng minh việc núi lửa có thể sụp đổ nhanh chóng là nguyên nhân gây ra sự việc”.
James Hunt - một chuyên gia về sóng thần tại Trung tâm Hải dương học quốc gia của Vương quốc Anh, người không tham gia vào nghiên cứu này - cho biết, các nghiên cứu cũng cho rằng “một vụ sạt lở núi lửa ở mức độ nhẹ cũng có thể tạo ra những trận sóng thần bất thường gây nguy hiểm đối với các đảo, các vùng lân cận”.
Cũng trong nghiên cứu này, ông Ricardo Ramalho khuyến cáo tất cả hãy cảnh giác trước nguy cơ thảm họa này có thể xảy ra một lần nữa, đặc biệt là tại các đảo núi lửa ở phía đông bắc của Đại Tây Dương.
“Không phải tất cả những vụ núi lửa sụp đổ đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, những thảm họa như vậy cũng không hiếm như chúng ta vẫn tưởng. Cần phải tính đến khả năng này khi xét tới những mối nguy hiểm của núi lửa” - ông Ricardo Ramalho cảnh báo.
Theo thống kê, trong vài trăm năm qua đã có khoảng 8 vụ núi lửa sạt lở ở mức độ nhẹ tại Alaska (Mỹ), Nhật Bản và một vài địa điểm khác. Một số vụ đã gây ra những cơn sóng thần nguy hiểm.