Các giải KH&CN hầu như không có tiêu chí thẩm mỹ, người học thiết kế tạo dáng công nghiệp rất ít nhưng vẫn khó kiếm việc làm… Không khó hiểu khi nhiều sản phẩm từ nghiên cứu khoa học của Việt Nam có tính năng tốt, giá rất rẻ nhưng không thể ra thị trường vì… xấu.

Chỉ cần vận hành được, chưa tính đến đẹp - xấu

Chiếc xíchlô chạy bằng năng lượng mặt trời có thể chở 200kg mà không cần đạp do nhóm sinh viên Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng chế tạo đã giành giải nhì cuộc thi “Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu” do trường và Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức.

Sản phẩm được đánh giá rất phù hợp với đội xíchlô du lịch nên thành phố chủ trương đầu tư sản xuất thí điểm 10 chiếc, chỉ cần cải tiến kiểu dáng đẹp và gọn nhẹ hơn, tháo lắp dễ dàng. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch này vẫn giẫm chân tại chỗ.

Chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NV
Chiếc xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NV

Trưởng nhóm nghiên cứu Phạm Hồng Trường lý giải: “Nhóm không chú trọng đầu tư hình thức ngay từ đầu nên chưa tìm được pin mặt trời dạng dẻo. Do phải dùng pin cứng nên xe nặng nề và không đẹp bằng những loại xíchlô khác”.

Chiếc xíchlô này chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm khoa học có tính năng tốt nhưng bị bỏ lỡ cơ hội thương mại hóa do điểm yếu về thẩm mỹ. Có số phận tương tự là chiếc máy rửa bát gia đình của ông Nguyễn Văn Ngọc ở Thái Bình, đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm 2009. Sau đó, ông Ngọc không sản xuất thêm chiếc nào nữa.

Ông giải thích: “Nhiều người đặt hàng nhưng tôi không dám nhận, vì một thiết bị đặt trong nhà ngoài tính năng tốt còn phải đẹp, mà tôi không đáp ứng được yêu cầu đó”. Từ đó, ông chỉ làm máy rửa bát công nghiệp - vốn đòi hỏi thấp hơn về thẩm mỹ.

Nhìn qua những sản phẩm khoa học chiến thắng trong các cuộc thi, có thể thấy yếu tố thẩm mỹ ít khi được tính đến ngay từ đầu của quá trình sáng tạo. Dường như các tác giả chỉ tạo ra một sản phẩm dùng được mà chưa nghĩ đến chuyện tạo ra sản phẩm bán được.

GS-TSKH Nguyễn Thiện Phúc - Trưởng ban giám khảo ban khoa học kỹ thuật, giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam 2015 (Vifotec) - thừa nhận: “Tham gia nhiều hội đồng chấm giải KH&CN, nhưng tôi thấy trong các tiêu chí chấm giải hầu như không có tiêu chí thẩm mỹ, mà mới dừng lại ở khả năng ứng dụng”.

Cử nhân tạo dáng công nghiệp “ế” việc

Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp có hẳn một khoa về thiết kế, tạo dáng công nghiệp. Theo ThS Hồ Nam - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế của trường, mỗi khoá, khoa đào tạo khoảng 60 sinh viên. Tuy nhiên, những năm học gần đây sinh viên của khoa có mặt bằng điểm đầu vào chỉ bằng điểm sàn tuyển sinh; sinh viên ra trường làm đúng ngành học rất hiếm. Một số thầy giáo dạy tạo dáng công nghiệp cũng phải kiếm tiền bằng thiết kế web, nội thất, đồ họa.

Lớp ĐH13A8 tạo dáng D trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong giờ học. Ảnh: Lê Loan
Lớp ĐH13A8 tạo dáng D trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong giờ học. Ảnh: Lê Loan

Ông Nam cũng cho biết, sinh viên chỉ được dạy cách tạo dáng một sản phẩm công nghiệp mang tính thẩm mỹ chứ chưa được đào tạo nhiều về sự kết nối giữa tính thẩm mỹ và tính ứng dụng.

Nguyễn Nam Giang - 27 tuổi, cựu sinh viên khoa Thiết kế - Tạo dáng công nghiệp, hiện làm thiết kế nội thất - cho biết lớp anh có 40 người, nhưng chỉ hơn chục người làm đúng nghề vì khó tìm việc: “Theo tôi biết, các công ty sản xuất xe máy như Honda, Yamaha phản ánh rằng sinh viên trường tôi vẽ rất tốt, nhưng xe không đi được. Thường các công ty nhận sinh viên tạo dáng công nghiệp đều phải đào tạo lại rồi mới giao việc”.

Ông Trịnh Đình Năng - người sáng chế lò đốt rác y tế được Bộ KH&CN cấp bằng độc quyền sáng chế - kể: “Tôi từng nhờ tư vấn thẩm mỹ, nhưng khi thiết kế thì không đạt bởi họ chưa hiểu về kết cấu. Chỉ thiết kế được mỹ thuật mà không khớp với kết cấu thì không sản xuất được”.
Theo ông Nguyễn Chí Linh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông An An, chuyên sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe thông minh, Việt Nam rất thiếu người có khả năng thiết kế sản phẩm vừa đẹp vừa dễ dùng.

Công ty ông từng đặt thiết kế một sản phẩm mà không ai làm được. Có ứng cử viên tự giới thiệu từng tham gia tạo mẫu một sản phẩm nổi tiếng, ứng trước 20 triệu đồng nhưng đến nay, sau mấy tháng vẫn chưa hoàn thành. “Công ty tôi cũng đang làm một sản phẩm khác, phần lõi đã có, chỉ còn thiếu mỗi vỏ mà vào Nam ra Bắc mãi vẫn chưa xong” - ông Linh chia sẻ.

Công ty An An hiện có 2 nhân sự về tạo dáng công nghiệp và đang muốn tuyển thêm. Theo ông Linh, với hoàn cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo dần: “Các bạn học thiết kế kiểu dáng công nghiệp xong thì đi làm shop quà tặng, web, chưa bao giờ được làm với đội sản xuất khuôn vỏ, nếu đòi hỏi cao thì tuyển ai?”.

TS Đỗ Hữu Hào - Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam - cho rằng việc chú trọng đào tạo về tạo dáng công nghiệp rất cần thiết, bởi: “Cùng một chất lượng nước hoa, lọ nào có thiết kế đẹp, lạ mắt sẽ được chọn nhiều hơn. Các nhà sáng chế phải có ý thức làm đẹp ngay từ khâu thiết kế ban đầu của cả sản phẩm lẫn bao bì, thông qua sự hỗ trợ của họa sỹ mỹ thuật công nghiệp”.

“Các sản phẩm công nghiệp mang tính thẩm mỹ cao và chất lượng tốt chắc chắn sẽ chiếm lĩnh không chỉ thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Đấy là cái đích mà ngành công nghiệp Việt Nam cần hướng tới trong tiến trình hội nhập” - ông Hào nói.