Theo ông Phạm Thanh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum, hiện nay thị trường xuất hiện nhiều sâm Ngọc Linh giả.

Mẫu sâm ngọc linh trồng 15 năm tuổi.

Ông Phạm Thanh người có 15 năm làm việc với cây sâm Ngọc Linh - cũng cho biết, do sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế và dược liệu rất cao, nhiều người biết và có nhu cầu sử dụng nên hiện thị trường xuất hiện nhiều hàng giả. Không phải ai cũng từng được nhìn thấy và sử dụng củ sâm Ngọc Linh thật nên rất dễ mua nhầm hàng giả.

Ông Thanh nêu 4 dấu hiệu quan trọng để phân biệt củ sâm Ngọc Linh thật và giả, dựa vào hình thái, mùi, vị, màu sắc của củ khi cắt (bảng). Hiện hàng giả được làm rất tinh vi từ rất nhiều loại củ khác nhau, nên việc nhận biết ngày càng khó khăn.

“Dễ phân biệt nhất là mùi và vị của sâm Ngọc Linh, tuy nhiên người bán không bao giờ cho khách hàng cắt ngang củ sâm để nhìn, nếm” - ông Thanh nói.

Coi chống giả mạo là một vấn đề quan trọng phải đối mặt, bà Trần Thị Tuyết - Giám đốc Sở KH&CN Kon Tum - cho rằng nếu không quản lý chặt chẽ, không có sự đồng thuận của các nhà sản xuất sâm Ngọc Linh, sẽ có những sản phẩm trà trộn.

“Sắp tới, Sở KH&CN sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập tổ chức các cá nhân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh, đồng thời chống sản phẩm giả mạo sâm Ngọc Linh, xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng nội bộ, phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý và phát triển CDĐL” - bà Tuyết nói.

Sâm thật

Sâm giả

Hình thái

Củ cái (dái) và thân củ có mắt (đốt) gần nhau. Củ cái có nhiều rễ nhỏ mọc xung quanh. Các mắt thường mọc so le nhau.

Không có củ cái hoặc được gắn vào, các mắt xa nhau và mọc cùng một hướng.

Mùi

Có mùi thơm đặc trưng của sâm, thơm lâu.

Không mùi hoặc mùi rất nhẹ (do trộn, tẩm, ướp với sâm thật).

Màu sắc của củ khi cắt

Màu vàng đều từ trong ra ngoài.

Màu vàng không đều, lẫn màu tím.

Vị

Đắng dịu và ngọt hậu

Đắng gắt, không có vị ngọt hậu