Trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế công việc của con người đã không còn là chuyện xa vời, khi ngay cả trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng cũng có nhiều thành tựu đáng kinh ngạc.

Điều này làm dấy lên tranh cãi về việc liệu robot có quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm do chính chúng sáng tạo ra?

AI - những nghệ sỹ đang lên

Việc một nhóm thành viên các viện bảo tàng và nhà nghiên cứu ở Hà Lan tiết lộ bức chân dung “The Next Rembrandt” được coi là sự chọc ghẹo giới nghệ thuật, bởi bức này được máy tính tạo ra sau khi phân tích hàng nghìn tác phẩm của Rembrandt - danh họa Hà Lan thế kỷ 17.

Máy tính sử dụng phương pháp máy học để phân tích, tái tạo các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ trong tranh Rembrandt như ánh sáng, màu sắc, nét cọ và các mẫu hình học. Kết quả là một bức tranh được tạo ra dựa trên phong cách và họa tiết thường thấy trong nghệ thuật của Rembrandt nhưng tất cả đều dựa trên các thuật toán.

Bức chân dung "The Next Rembrandt" do AI "sáng tác". Ảnh: Fedotov.co

Đây chỉ là một ví dụ cho thấy sự phát triển và khả năng của máy tính. Có thể kể thêm cuốn tiểu thuyết ngắn được viết bởi một chương trình máy tính của Nhật Bản vào năm 2016 - tác phẩm vào đến vòng 2 của giải thưởng Văn học quốc gia. Deep Mind - công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo của Google - đã tạo ra phần mềm có thể sáng tác nhạc chỉ bằng việc nghe các bản ghi âm. Những dự án khác cho thấy máy tính đã có thể viết thơ, chỉnh sửa ảnh và sáng tác nhạc kịch.


Ai sẽ sở hữu tác phẩm của AI?

Đây không chỉ là câu hỏi về học thuật. AI đã được sử dụng để tạo ra các tác phẩm trong âm nhạc, báo chí và game. Về mặt lý thuyết, những tác phẩm này có thể xem như không có bản quyền bởi không do con người tạo ra, nghĩa là ai cũng có thể sử dụng. Đây là mối lo cho doanh nghiệp bán những tác phẩm này. Hãy tưởng tượng bạn đầu tư hàng triệu đôla cho một hệ thống có thể tạo ra nhạc để rồi nhận ra chúng không được pháp luật bảo vệ và bất kỳ ai cũng có thể sử dụng miễn phí.

Không giống các tác phẩm của máy tính trước đây, các phần mềm máy học tạo ra những sản phẩm sáng tạo thực sự mà không cần sự can thiệp của con người. Con người lập trình các thuật toán, còn việc ra quyết định, nảy ra những sáng tạo gần như hoàn toàn từ máy; nhưng điều đó không có nghĩa là bản quyền nên được trao cho máy tính. Hiện máy không có (hoặc chưa có) các quyền và địa vị như người theo luật pháp. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là không nên có bản quyền. Không phải tất cả bản quyền đều do các cá nhân sở hữu.

Các công ty được công nhận là những người hợp pháp và thường được trao bản quyền các tác phẩm mà họ không trực tiếp tạo ra, như khi một phòng thu thuê một nhóm làm phim, hoặc một trang web thuê nhà báo viết một bài báo. Như vậy, bản quyền có thể được trao cho người (công ty hoặc con người) đã ủy thác có hiệu quả cho AI để tạo ra công việc cho nó.

Nhưng bức tranh pháp luật hiện tại thực sự phức tạp hơn như vậy và nó thay đổi tùy thuộc vào nơi bạn sinh sống. Bởi lẽ, sở hữu trí tuệ không phải là một lĩnh vực đã được giải quyết bởi các hiệp ước quốc tế về bản quyền.

Nhiều khác biệt về luật

Tại Anh, Ireland, New Zealand, các tác phẩm do máy vi tính tạo ra đều có bản quyền, thuộc về "người đã có sự sắp đặt cần thiết để tạo ra tác phẩm". Trong khi đó, các nước châu Âu khác không có quy định tương tự. Tây Ban Nha và Đức có các điều luật quy định rằng chỉ những tác phẩm do con người tạo ra mới được bảo vệ bản quyền.

Toà án Tư pháp châu Âu đã tuyên bố trong nhiều thời điểm khác nhau rằng bản quyền chỉ áp dụng cho các tác phẩm gốc và nguyên bản và tác phẩm phải phản ánh "sáng tạo về mặt trí tuệ của tác giả". Điều này thường được hiểu là một tác phẩm gốc phải phản ánh nhân cách của tác giả. Như vậy rõ ràng có nghĩa tác giả phải là con người, đây là điều kiện cần để cho bản quyền một tác phẩm tồn tại.

Ở một số nước khác, tình hình thậm chí còn phức tạp hơn. Australia có một số án lệ rằng một tác phẩm được tạo ra với sự can thiệp của máy tính không thể có bản quyền vì nó không được tạo ra bởi con người. Ở Mỹ, vấn đề này vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi.

Mọi thứ dường như trở nên phức tạp hơn khi các công cụ AI thường được nghệ sỹ sử dụng và máy móc có khả năng sáng tạo tốt hơn. Điều này khiến việc phân biệt một tác phẩm nghệ thuật là của con người hay máy tính sẽ ngày càng khó khăn.