Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn, ít thay nước được Trúc Anh áp dụng từ cuối năm 2014 và hiện được nhiều người nuôi áp dụng, giúp nâng số vụ nuôi tôm từ 1-2 vụ lên tới 4-5 vụ mỗi năm.

Liên lạc với tòa soạn, độc giả Nguyễn Sỹ Bình (Kiến Thụy, Hải Phòng) muốn được biết chi tiết về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn, ít thay nước được nhắc đến trong trang nói về doanh nghiệp khoa học công nghệ Trúc Anh ở Bạc Liêu, Báo Khoa học và Phát triển số 917.

Ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh, đơn vị xây dựng quy trình trên - cho biết, quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn, ít thay nước được Trúc Anh áp dụng từ cuối năm 2014 và hiện được nhiều người nuôi áp dụng, giúp nâng số vụ nuôi tôm từ 1-2 vụ lên tới 4-5 vụ mỗi năm. Sản lượng tôm thu hoạch từ 20-40 tấn/ha được nâng lên 100-120 tấn/ha mỗi năm.

Ao nuôi tôm giai đoạn 2 của Công ty Trúc Anh. Ảnh: NV

Với quy trình này, trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong nhà lưới 20-30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Lúc này, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ sẽ hạn chế hội chứng tôm chết sớm (hội chứng EMS, thường xảy ra trong 20 ngày đầu của quá trình nuôi) nhờ quản lý được nguồn gốc tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học. Tôm giống được thả với mật độ 1.000-3.000 con/m2.

Khi tôm có trọng lượng 1,5-2gr/con sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn 2 ở ao liền kề, mật độ 200-300 con/m2, cho đến khi đạt kích cỡ 40-60 con/kg. Tổng thời gian nuôi là 80-100 ngày. Quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, chỉ sử dụng chế phẩm sinh học; không phải thay nước hoặc thay nước rất ít, chỉ châm bù nước; sử dụng các thiết bị hiện đại như: Máy cho ăn tự động, máy sục ôxy đáy, quạt nhím.

Theo ông Lê Anh Xuân, ưu điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn, ít thay nước là đạt “tiêu chuẩn 4A”: An toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hoá chất mà chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học; an toàn môi trường do không xả thải ra bên ngoài; an toàn dịch bệnh do khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; an sinh xã hội do giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng nên người nuôi tôm luôn luôn có lợi nhuận.

Ngoài ra, quy trình này tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm. Hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm được từ 10-20% chi phí so với các mô hình nuôi tôm khác. Quy trình nuôi dễ thực hiện, phù hợp với cả quy mô nhỏ lẻ lẫn trang trại.

Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh cũng cho biết, công ty đang chuyển giao quy trình này tại Hợp tác xã Hưng Phú thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng với diện tích khoảng 52ha và nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh.