Trong bài báo mới của mình, hai giáo sư hàng đầu về giáo dục quốc tế Philip Altbach và Hans de Wit cho rằng, cuộc khủng hoảng sâu sắc về số lượng công trình đang tìm nơi xuất bản và số công trình được công bố là hệ quả của khuynh hướng các trường đại học đều muốn tìm cách trở thành đại học nghiên cứu.

 Ảnh: Spincyclenyc
Ảnh: Spincyclenyc

Đang có một cuộc khủng hoảng trong việc xuất bản học thuật nói riêng và trong hệ thống phổ biến tri thức toàn cầu nói chung. Có quá nhiều áp lực đối với các tạp chí hàng đầu, quá nhiều sách báo với chất lượng tầm tầm, các tạp chí rởm đang gia tăng, và rất nhiều áp lực lên các giảng viên trên toàn thế giới để có được bài công bố. Quyết định của tạp chí The Review of Higher Education, một tạp chí học thuật rất được kính trọng, tạm thời ngưng nhận các bài nộp mới do tồn đọng các bài báo nộp cả hai năm nay đang chờ đánh giá hoặc chờ xuất bản, đã gây ra một cơn bão twitter và nhiều cuộc tranh luận trong các hành lang học viện về tương lai của xuất bản học thuật, và đặc biệt là nguy cơ phá vỡ nền tảng thiết yếu của nó – đó là tình trạng bình duyệt một cách mù mờ.

Những vấn đề cơ bản này là hậu quả của việc phát triển giáo dục đại học toàn cầu trong nửa thế kỷ qua, đặc biệt là đại chúng hóa và sự gia tăng của các bảng xếp hạng các trường đại học trong nước và quốc tế. Liên quan đến vấn đề này là hiện tượng xã hội học của khuynh hướng rập khuôn khi hầu hết các tổ chức học thuật muốn được giống như các trường đại học đứng đầu trong trật tự học thuật, và do đó tìm cách trở thành đại học nghiên cứu. Và cuối cùng, một xu hướng ngày càng tăng trong đào tạo tiến sĩ là bỏ qua luận án tiến sĩ truyền thống và thay thế nó bằng yêu cầu nghiên cứu sinh công bố một số bài báo dựa trên nghiên cứu của họ trên các tạp chí học thuật, và như vậy chuyển trách nhiệm đánh giá nghiên cứu tiến sĩ từ hội đồng đại học sang biên tập viên và người đánh giá bài báo.

Một hệ thống bất hợp lý và không cần thiết

Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản. Việc có quá nhiều công trình được công bố là do hệ thống học thuật khuyến khích các công bố không cần thiết, cần cắt giảm chúng một cách quyết liệt. Giảm số lượng các bài báo và sách báo học thuật sẽ cho phép hệ thống bình duyệt hoạt động hiệu quả hơn, sẽ giảm hoặc loại bỏ các tạp chí và nhà xuất bản rởm xuất hiện gần đây, và có lẽ quan trọng nhất là loại bỏ căng thẳng lớn từ các giảng viên lúc nào cũng lo lắng về việc xuất bản thay vì việc giảng dạy.

Trong cuốn sách Scholarship Reconsidered: Priorities for the Professoriate xuất bản năm 1990, Ernest L. Boyer lập luận rằng việc đánh giá công việc giảng viên nên bao gồm tất cả các khía cạnh của trách nhiệm học thuật, và nội dung ưu tiên đánh giá cho các giảng viên không làm việc tại các trường đại học định hướng nghiên cứu phải là công việc giảng dạy của họ, chứ không phải kết quả nghiên cứu. Ông lập luận rằng hầu hết các giảng viên cần theo kịp các xu hướng nghiên cứu và tư duy hiện tại trong lĩnh vực của mình, nhưng không nhất thiết phải tạo ra tri thức mới. Tất nhiên, một vài học giả tại các trường đại học không theo định hướng nghiên cứu muốn thực hiện nghiên cứu và công bố thì họ vẫn được phép làm.

Đồng thời, khi nghiên cứu được coi là công việc phổ biến đối với hầu hết các học giả, thì sự công nhận và tôn trọng dành cho việc giảng dạy cần được tăng cường. Loại bỏ cả hai dạng rập khuôn từ phía trường và từ phía cá nhân không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không thể thông qua sự kết hợp giữa cây gậy và củ cà rốt. Đa số các trường đại học không định hướng nghiên cứu và chủ yếu tập trung vào giảng dạy. Các giảng viên nên được khen thưởng vì giảng dạy tốt và phục vụ cho xã hội và ngành công nghiệp chứ không chỉ vì thực hiện tốt nghiên cứu cơ bản. Mô hình Humboldt của Đức - cho rằng tất cả các trường đại học đều có sứ mệnh nghiên cứu - là lãng phí và không cần thiết để duy trì chất lượng. Nhu cầu của các trường đại học khoa học ứng dụng (University of Applied Sciences) và các trường đại học không định hướng nghiên cứu khác về việc được cấp kinh phí nghiên cứu và kinh phí đào tạo tiến sĩ - và việc các chính trị gia ủng hộ họ - đi ngược lại xu hướng đó. Ngày càng có nhiều trường đại học khoa học ứng dụng ở châu Âu và các khu vực khác không nên theo đuổi chức năng nghiên cứu mà nên theo đúng với tên gọi của chúng là tập trung vào giảng dạy được hỗ trợ bởi nghiên cứu ứng dụng. Tiến sĩ nghề nghiệp (Professional Doctorate) là hướng thay thế cho tiến sĩ nghiên cứu (Research-based PhD) dành cho những người không nhắm đến sự nghiệp tập trung vào nghiên cứu.

Nếu sự khác biệt này được thực hiện một cách cẩn trọng và chỉ xuất bản các công trình nghiên cứu trong các trường đại học định hướng nghiên cứu, chúng tôi dự đoán rằng chất lượng nghiên cứu và phát triển sẽ tăng lên và hơn một nửa số bài báo nghiên cứu hiện tại có thể bị loại bỏ.

Chất lượng với sự kiểm soát

Để khôi phục tính hợp lý cho hệ thống xuất bản, phải cắt giảm số lượng lớn các công trình và sách báo. Chúng tôi không ủng hộ việc tri thức sản xuất tập trung ở các nước giàu có, mà là tri thức sản xuất tập trung chủ yếu ở các trường đại học định hướng nghiên cứu ở tất cả các nước. Các tạp chí được thành lập nên chú ý nhiều hơn đến sự đa dạng về quan điểm, phương pháp và chủ đề. Sự độc quyền truyền thống của các mô hình nghiên cứu và lĩnh vực chủ đề trong hầu hết các ấn phẩm uy tín cần được phá vỡ với sự đại diện nhiều hơn của các học giả và tác giả chất lượng từ các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, cũng như giới tính và các thể hiện đa dạng khác.

Chúng tôi kêu gọi về chất lượng, nhưng cũng kêu gọi về việc kiểm soát chất lượng là gì, được thực hiện bởi cộng đồng học thuật thay vì bởi những tổ chức xếp hạng phi học thuật, bởi các nhà xuất bản, bởi các phép đo trích dẫn và mức độ ảnh hưởng. Giải pháp là không công bố thêm các nghiên cứu chất lượng kém. Chất lượng, chứ không phải số lượng, nên là mục tiêu, kết hợp với việc đưa kiểm soát chất lượng trở lại cộng đồng học thuật, đồng thời đảm bảo rằng sự kiểm soát đó không bị chi phối bởi các nhóm nhỏ trong các trường đại học nghiên cứu ở các nước giàu có.

Các cải cách có thể

Tất nhiên, các bước đầu tiên là xác định sứ mệnh khác biệt của các trường đại học, đặt các trường vào các danh mục phù hợp và liên kết việc phân bổ tài chính phù hợp với sứ mệnh.

Hệ thống phổ biến tri thức cần thay đổi lớn. Các trường đại học định hướng nghiên cứu và các tổ chức xã hội nghề nghiệp phù hợp, và tài trợ của chính phủ và các cơ quan khác phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa và kiểm soát các hệ thống đã bị thương mại hóa quá mức và một phần đã bị hư hỏng. Các tạp chí và nhà xuất bản rởm cần được loại bỏ. Giá cả trên trời của nhiều nhà xuất bản thuộc khu vực tư nhân độc quyền - như Elsevier và Springer - phải được giảm. Hệ thống bình duyệt, vốn là trung tâm của việc duy trì chất lượng nghiên cứu và xuất bản khoa học, phải được tăng cường. Về cơ bản, chúng tôi cho rằng hệ thống xuất bản đang nằm ngoài tầm kiểm soát, và tại thời điểm này, đang trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc về số lượng công trình tìm nơi xuất bản và số công trình được công bố. Số lượng quá lớn này đã áp đảo hệ thống xuất bản, tạo nên tình trạng thương mại hóa quá mức và tham nhũng.

Lập luận và đề xuất của chúng tôi về giải pháp cho vấn đề này là giảm số lượng các công trình được công bố, không phải bằng cách can thiệp vào quyền tự do của các học giả hoặc tập trung quyền lực vào tay các nhà môi giới học thuật truyền thống. Đề nghị đơn giản của chúng tôi là: cần nhận ra rằng hầu hết các trường đại học và hầu hết các học giả trên toàn cầu đang tập trung vào giảng dạy - và phần lớn các trường đại học nhận thức được vai trò quan trọng của họ là tập trung vào giảng dạy chứ không tìm cách trở thành các tổ chức nghiên cứu chuyên sâu.

Philip G. Altbach và Hans de Wit (Các tác giả của bài báo hiện đang công tác tại Trung tâm Giáo dục đại học Quốc tế, Đại học Boston, trong đó GS Altbach là Giám đốc sáng lập và GS Hans de Wit hiện là giám đốc của Trung tâm)