Ra mắt tháng 8/2018, Ỷ Vân Hiên là một trong những doanh nghiệp tiên phong hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang phục và sản phẩm truyền thống. Không nhận mình phát triển theo con đường “khởi nghiệp”, nhưng hành trình của Nguyễn Đức Lộc và những thành viên sáng lập đang góp phần mở ra một con đường kinh doanh mới – con đường kinh doanh văn hóa.

“Thiên thời, địa lợi”

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Đức Lộc – giám đốc của Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên ở cửa hàng của anh tại một căn gác nhỏ trên phố Hàng Buồm. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh Lộc từ sớm đã quan tâm và có lòng say mê với văn hóa cổ, trải qua nhiều công việc, cho đến đầu năm 2018 khi anh cùng người bạn là Võ Văn Hải thành lập nên Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên.

Ỷ Vân Hiên có lẽ không phải là một hiện tượng mới, cũng không phải là hiện tượng riêng biệt. Hành trình của công ty này có thể coi như một bước tiến của một phong trào của những người trẻ đi tìm lại giá trị truyền thống nở rộ từ khoảng những năm 2010 đến nay.

Từ khoảng năm 2012, từ Facebook và các mạng xã hội khác đã xuất hiện các hội nhóm do người trẻ thành lập để tìm hiểu về trang phục và văn hóa cổ. Nguyễn Đức Lộc tham gia vào các diễn đàn mạng này từ khoảng năm 2016 và nhanh chóng trở thành một thành viên cực kỳ tích cực.

Những kiến thức và kinh nghiệm lấy được từ các diễn đàn giúp anh tạo được một điểm khởi phát hoàn hảo cho Ỷ Vân Hiên: “Mình không không phải là người đầu tiên yêu văn hóa cổ, không phải người hiểu biết nhất về văn hóa cổ hay trang phục cổ, cũng không phải người đầu tiên làm cái áo dài, may áo dài và bán nó – nhưng Ỷ Vân Hiên lại có thể vượt lên trên tất cả. Đó là nhờ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.”

Anh Nguyễn Đức Lộc (giữa) giới thiệu về các mẫu áo của Ỷ Vân Hiên. Ảnh: Tuấn Quang

“Thiên thời” và “địa lợi”? Anh Lộc nói về thời điểm để thành lập công ty của mình như một sự tất yếu: “Những biến động lịch sử Việt Nam khiến đất nước trải qua nhiều đứt gãy văn hóa. Từ không quan tâm, hay thậm chí là bài bác văn hóa “phong kiến đế quốc”, đến 30 năm sau mở cửa, kinh tế đã đạt đến cái ngưỡng có thể ăn ngon mặc đẹp [thì ta] quay ngược lại quan tâm đến văn hóa. Nhất là trong cái thời điểm đó, mình thuộc thế hệ đầu 9X – lớn lên, trưởng thành trong sự giao thời. Thế hệ mình không phải lo ăn, lo mặc và rất nhiều thứ nữa. Và tư duy của mình cũng khác – cởi mở hơn hoàn toàn, sẵn sàng tiếp nhận văn hóa truyền thống, văn hóa cổ. Đó là một góc nhìn hoàn toàn mới.”

Nghiên cứu và phát triển

Ỷ Vân Hiên đặt mình ở vị trí khác biệt với các công ty trang phục thông thường. Ngược lại, với việc làm sản phẩm theo các xu hướng thời trang hiện đại, công ty này rẽ sang một không gian riêng: bám sát các phong cách và họa tiết trang phục cổ.

Bởi vậy, công ty này duy trì một bộ phận nghiên cứu riêng biệt. Bộ phận nghiên cứu này không lớn, nhưng tập hợp được những người trẻ có chuyên môn và hiểu biết sâu về văn hóa, cũng như là những thành viên được biết đến của các diễn đàn về Cổ phong.

Hiểu biết đó cho phép họ đóng các vai trò chủ động từ việc đề xuất ý tưởng, sưu tầm, và chuẩn hóa các thiết kế sản phẩm làm ra: từ hình dáng, chất liệu, đến hoa văn và màu sắc – theo bạn Huyền, cử nhân ngành khảo cổ và chuyên viên nghiên cứu của công ty giải thích.


Các nguồn tư liệu được khai thác không chỉ là các nghiên cứu đã có sẵn, mà một phần đáng kể đến từ việc phân tích các hiện vật thật được lưu giữ lại của nhiều gia đình nghệ nhân; hay bản thân các thông tin từ sử liệu chữ Hán cũng được sử dụng và phân tích kỹ lưỡng.Hướng nghiên cứu của công ty cho phép sử dụng lại các họa tiết cổ nhưng đi vào ứng dụng một cách tổng thể nhằm “phục dựng một cách chân thực nhất” trang phục cổ.

Quan điểm đó được anh Nguyễn Đức Lộc chia sẻ: “Để làm đồ tân thì dễ, bạn may theo đúng phục cổ mới là khó. Ai cũng chọn dễ, chứ mấy ai chọn khó? Đấy là điểm khác biệt và điểm thành công của Ỷ Vân Hiên.”

Theo anh, cần phải làm chuyên sâu vào cái gốc, làm nó sống lại, đến khi vững chắc ở nền tảng thì mới nên hướng tới cách tân: “Nếu muốn cách tân mà không hiểu được cái cũ thì không bao giờ làm được. Giống các nhà thiết kế bây giờ: họ không hiểu gì về trang phục cổ đã vội vàng cách tân. Mọi hoa văn họa tiết, đến tay áo, cổ áo, dáng áo … đều có chiều sâu văn hóa và cần có phông kiến thức về văn hóa lịch sử để có thể hiểu nó. Tôn giáo ở trong đó, lễ nghi cung đình ở trong đó.”


Ỷ Vân Hiên khác biệt với các dự án khác từ cùng phong trào vốn đi tìm các ứng dụng mới cho họa tiết hay hoa văn cổ chứ chưa tìm cách vào phục dựng cụ thể. Các dự án như “Hoa văn Đại Việt” số hóa hàng nghìn các hoa văn và họa tiết truyền thống lấy từ trang phục, điêu khắc kiến trúc.

Song song với đó, dự án như “Họa sắc Việt” lại hướng đến xây dựng các phổ màu “truyền thống” – cụ thể từ tranh dân gian Đông Hồ hay Hàng Trống – để làm giàu cho các sản phẩm thiết kế hiện đại. Dự án phục dựng đi gần nhất với hướng hiện tại của công ty có lẽ chỉ có “Dệt nên Triều đại” – vốn là một dự án phi lợi nhuận do một nhóm lưu học sinh Việt Nam tại Úc thực hiện.

Để hỗ trợ cho việc phục dựng, Ỷ Vân Hiên cũng nhận được sự tư vấn của nhiều chuyên gia được biết đến trong phong trào như Trần Quang Đức, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Mạnh Đức; và nhà nghiên cứu, phục chế trang sức cổ Vũ Kim Lộc. Công ty cũng nhận được sự giúp đỡ của cụ Công Tôn Nữ Trí Huệ - chắt nội vua Minh Mạng trong việc tái dựng lại gối xếp cổ. Nguồn nguyên liệu cho sản phẩm – là những chất liệu truyền thống đặc trưng: lụa, gấm, sa, the, đũi… - một phần được cung cấp từ các làng nghề thủ công mỹ nghệ từ La Khê, Vạn Phúc, Lãnh Mỹ A…

Kỳ vọng

Những sản phẩm chân thực như vậy thường dễ đi vào những khe cửa hẹp và chứa nhiều rủi ro trên thị trường. Tuy vậy, đến nay Ỷ Vân Hiên vẫn tìm được nhiều cơ hội để phát triển. Các cá nhân quan tâm đến trang phục truyền thống trở thành các khách hàng thường xuyên của công ty, nhưng với anh Nguyễn Đức Lộc, mục tiêu của công ty muốn hướng tới các dự án lớn hơn – các chương trình truyền hình, lễ hội và sự kiện lớn: “Đấy là đang ứng dụng cái hiện đại vào để làm mới cái cổ, làm sống lại cái cũ bằng cách thức hoàn toàn mới.”

Tháng 8 vừa rồi, gameshow “Kỳ án Cung Diên Thọ” ra mắt với phần lớn trang phục được sản xuất bởi công ty đã gây tiếng vang lớn với cộng đồng mạng. Cũng trong đầu tháng 11, trang phục của Ỷ Vân Hiên tiếp tục xuất hiện trên loạt phim “Rồng rắn lên mây” 32 tập do HTV3 thực hiện.

Niềm tin của Nguyễn Đức Lộc về nhu cầu hồi phục văn hóa, muốn “văn hóa cổ sẽ có một vị trí sống trong lòng mọi người” đang đi những bước đầu tiên và hứa hẹn nhiều triển vọng trong tương lai.