Năng lượng cung cấp cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng của Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam) được lấy từ... rác. Bã rơm được xử lý, đóng gói bán với giá 60.000 đồng/kg để làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh...

Những chuyện khó tin đó là hai trong nhiều bằng chứng về khả năng kỳ diệu của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc biến những thứ bỏ đi thành sản phẩm quý.

Dùng rác mà không cần phân loại

Ngày 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và lãnh đạo một số bộ, ngành đến thị sát công nghệ điện rác của Công ty TNHH thủy lực máy HMC tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2, tỉnh Hà Nam. Đây là công nghệ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp khí hóa thiếu ôxy tạo ra khí tổng hợp (syngas) làm nhiên liệu chạy máy phát điện (công nghệ điện rác WTE), đã được khảo nghiệm thành công.

Theo ông Nguyễn Gia Long - Giám đốc công ty, trong đợt khảo nghiệm này, nhà máy đã xử lý 208 tấn rác thải rắn không phân loại để chạy máy phát điện cung cấp cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng của khu công nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo một số bộ, ngành thăm dây chuyền xử lý rác để phát điện ở Hà Nam ngày 18/3. Ảnh: Thống Nhất

“Đặc điểm của công nghệ điện rác WTE là không cần phân loại rác từ đầu nguồn, không phát thải thứ cấp. Do sử dụng dây chuyền khép kín, không có ống khói nên công nghệ này không gây ô nhiễm không khí” - ông Nguyễn Gia Long cho biết.

Cũng xem rác là tài nguyên quý giá, Công ty H-T Giang San (Long An) đã nghiên cứu thành công công nghệ xử lý rác thải không có khói, vừa bảo vệ môi trường vừa tạo ra điện năng, khí gas, than sinh học. Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Hòa cho biết, công nghệ này đang được áp dụng tại ấp Bình Tiền, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tại Nhà máy xử lý rác Bỉm Sơn Thanh Hóa, một modul có công suất 50 tấn/giờ cũng đang được vận hành. “Khách hàng từ Australia, Campuchia, Trung Quốc, Philippines và Mỹ đã liên hệ và đang tiến hành ký hợp đồng chế tạo, lắp đặt công nghệ của chúng tôi” - ông Hòa nói.

“Kho vàng” từ rơm, cám

Trong buổi tọa đàm “Đi tìm giá trị gia tăng cho cây lúa Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, câu chuyện của doanh nhân Phạm Minh Thiện - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Cỏ May - thu hút sự quan tâm của cử tọa với nội dung biến các phụ phẩm của quá trình sản xuất lúa, gạo thành những sản phẩm có giá trị sử dụng rất tốt, thậm chí giá trị gia tăng còn cao hơn hạt gạo.

Mô hình xử lý rác tạo điện năng của Công ty H-T Giang San.

Cụ thể, theo ông Thiện, cám có thế dùng làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rơm có thể dùng làm thức ăn cho bò, làm nấm... Tấm, trấu được ứng dụng trong sơn nano và nhiều ngành công nghiệp khác do đặc tính giữ nhiệt tốt. Chuyện tận thu, chế biến để nâng giá trị những nguyên liệu đó về lý thuyết không mới, nhưng thực hiện một cách hiệu quả lại không dễ dàng và doanh nghiệp Cỏ May đã làm được, với việc đầu tư hệ thống và xây dựng quy trình trồng nấm rơm sạch và hiện đại.

Ông Thiện tính toán: “Cứ 10kg rơm sản xuất được 1kg nấm, tiền rơm 10.000 đồng, chi phí các loại 20.000 đồng, trong khi giá nấm rơm sạch là 160.000 đồng. Còn bã rơm sau khi xay và xử lý vi sinh được đóng gói bán với giá 60.000 đồng/kg, lãi hơn cả gạo. Đó là người ta mua về sử dụng như một loại nguyên liệu làm phân, chứ nếu chiết xuất các thành phần khác thì lãi còn cao hơn nhiều”.

Doanh nghiệp Cỏ May cũng đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gamma oryzanol với dây chuyền công nghệ của châu Âu nhằm chiết xuất tinh dầu từ cám gạo làm mỹ phẩm. Hiện trung bình mỗi ngày, Cỏ May thu mua 300-400 tấn cám.

Chuyên gia quốc tế kiểm tra sản phẩm chiết xuất từ cám gạo của Công ty Cỏ May.
Ảnh: Tuấn Dương

Ông Thiện cho biết: “Ngoài hàm lượng chất béo tới 16%, cám gạo đặc biệt giàu gamma oryzanol - hoạt chất ôxy hóa cực mạnh, là nguyên liệu quý để sản xuất dược mỹ phẩm, có giá bán phổ biến hiện nay là 7 triệu đồng một kilôgram. Một tấn cám gạo sẽ cho ra khoảng 2,5kg gamma oryzanol, thu 17 triệu đồng, trong khi giá cám chỉ khoảng 5,2 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, từ cám chúng tôi có thể chiết xuất 14-15% tinh dầu - sản phẩm mà thị trường Nhật Bản rất ưa chuộng”.

Cần đầu tư cả tiền bạc và niềm tin

Để thu được lợi nhuận cao từ những các loại rác thải, phụ phẩm, phế phẩm, các doanh nghiệp như HMC, Cỏ May hay H-T Giang San đều phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào việc nghiên cứu và phát triển. Ông Huỳnh Văn Hòa cho biết, ông và cộng sự đã phải bỏ ra hơn 20 năm với gần 40 triệu USD để nghiên cứu tìm công nghệ xử lý rác với niềm tin mình sẽ thành công.

Dùng rơm để sản xuất nấm tại Công ty Cỏ May. Ảnh: Tuấn Dương

“Những công nghệ mà H-T Giang San nghiên cứu thành công và đang ứng dụng sản xuất là sự bổ khuyết và phát triển sâu hơn những công nghệ, thiết bị đã có trên thế giới để chúng phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam. Chúng tôi muốn tận dụng những thứ bỏ đi làm nguồn năng lượng và chỉ khoa học mới có thể biến ước mơ đó thành hiện thực” - ông Hòa chia sẻ.

Ông Phạm Minh Thiện cũng tâm sự, từ hơn 30 năm trước, khi những sản phẩm đầu tiên của Cỏ May ra đời, doanh nghiệp đã trải qua không biết bao nhiêu sóng gió để khẳng định chất lượng sản phẩm. “Trong kinh doanh, gặp lỗ, thất bại là chuyện dễ thấy nhưng muốn tồn tại, không có cách nào khác hơn là đảm bảo chất lượng sản phẩm. Xác định rõ con đường này, Cỏ May luôn dựa vào KH&CN, đặt KH&CN lên hàng đầu và quyết tâm theo đuổi đến cùng để nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp ở một đất nước thuần nông”.

Giám đốc doanh nghiệp Cỏ May cũng chia sẻ, trong quá trình kinh doanh gạo, công ty tạo ra phụ phẩm từ tấm, cám để phục vụ chăn nuôi. Sau khi thành công tương đối ở mảng thức ăn chăn nuôi, nhận thấy nhu cầu về bao bì quá lớn, Cỏ May lại đầu tư nhà máy bao bì. “Hiện 50% công suất nhà máy bao bì là để phục vụ nhu cầu của Cỏ May, bảo đảm không lỗ. Việc đầu tư cho KH&CN và các khoản đầu tư thêm trên cơ sở lợi thế so sánh đã giúp chúng tôi giữ được đà tăng trưởng tốt hơn trong 30 năm qua” - ông Thiện nói.