Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên (bang Utah, Mỹ) vừa phát hiện hóa thạch của một con rùa lạ tại Đài tưởng niệm quốc gia Grand Staircase-Escalante ở miền nam Utah.

Con rùa đã tuyệt chủng thuộc nhóm rùa mũi lớn - tên khoa học là Arvinachelys goldeni. Nó có chiều dài khoảng 0,6m từ đầu đến đuôi, chiếc mai có hình dáng phù hợp giúp nó tồn tại trong môi trường sống ở ven sông. Cá thể này xuất hiện 76 triệu năm trước trong kỷ Phấn trắng - cùng thời kỳ với khủng long bạo chúa, khủng long mỏ vịt khổng lồ và nhiều loài khủng long khác.
“Chân dung” loài rùa kỳ lạ nhất từng sống trên Trái đất. Ảnh: Artist-depiction
“Chân dung” loài rùa kỳ lạ nhất từng sống trên Trái đất. Ảnh: Artist-depiction

Hầu hết hóa thạch các loài rùa cổ đại được tìm thấy trước đây thường bao gồm một hộp sọ tách rời hoặc mai. Trong trường hợp này, không những hộp sọ của con rùa liên kết với mai mà hóa thạch còn có một chi trước gần như hoàn chỉnh, một phần chi sau và đốt sống từ cổ tới đuôi.

Joshua Lively - một nghiên cứu sinh của Đại học Texas, người tham gia vào cuộc khảo cổ này - cho biết: “Về giải phẫu học, đây là một trong những loài rùa kỳ lạ nhất từng sống trên Trái đất”.

Không giống như những hóa thạch rùa từng được tìm thấy, chiếc mũi rộng của con rùa này có hai xương lỗ mũi. Được biết, tất cả loài rùa khác từng được biết đến chỉ có một xương lỗ mũi trong hộp sọ và giữa hai lỗ mũi là thịt.

Theo các nhà khoa học, đây là phát hiện lớn bởi lẽ họ sẽ có thể hiểu được mối liên hệ giữa loài rùa này với các loài rùa cổ đại khác và vai trò của chúng trong hệ sinh thái.
Điều quan trọng là, phát hiện này đã lấp đầy khoảng trống trong việc tìm hiểu sự tiến hóa của loài rùa và góp thêm một câu chuyện về động lực phát triển hệ sinh thái trong kỷ Phấn trắng ở miền tây bắc nước Mỹ.

Trong thời gian loài rùa Arvinachelys goldeni tồn tại, phía tây bắc Mỹ là một đảo lục địa rộng lớn có tên Laramidia. Khi đó biển trải dài từ Bắc Cực đến vịnh Mexico, tách Laramidia khỏi phía đông Bắc Mỹ.

Trái đất khi đó có nhiệt độ cao và không chênh lệch nhiều từ xích đạo đến các cực như chúng ta ngày nay. Có thể mực nước biển dâng cao kết hợp với khí hậu thay đổi liên tục đã tạo ra rào cản đối với sự đa dạng hóa và phát tán các loài trong kỷ Phấn trắng.