Các nhà khoa học sửng sốt khi phát hiện một phần đuôi của khủng long sống cách đây khoảng 99 triệu năm bị mắc kẹt trong khối hổ phách ở Myanmar.

Phần đuôi bên trong miếng hổ phách.

Một nhà cổ sinh vật Trung Quốc có tên Xing Lida, đã tìm thấy mẫu hổ phách nặng khoảng 6,5 gam, có kích thường khoảng bằng một quả mơ khô tại khu chợ ở miền bắc Myanmar, gần biên giới Trung Quốc.

Mẫu vật được bày bán như một món đồ trang sức tại khu chợ bán hổ phách và một thương nhân địa phương tưởng rằng có một khúc cây mắc kẹt bên trong.

Ông Xing cho biết: "Tôi nhận ra vật bên trong là một đoạn có xương sống, có lẽ thuộc loài khủng long chân thú chứ không phải là thực vật. Tôi không biết người bán có thực sự hiểu được tầm quan trọng của mẫu vật này hay không, nhưng ông ấy đã không tăng giá".

Nhìn dưới kính hiển vi, đoạn đuôi dài khoảng 3.7cm, phía trên có lông màu hạt dẻ và phía dưới có lông màu nhạt, toàn bộ phần xương cùng với các dấu vết cho thấy cơ bắp, dây chằng và da được bảo tồn nguyên vẹn trong miếng hổ phách.

Phát hiện này được công bố tạp chí Sinh vật học Đương đại (Current Biology) số tháng 12.

Ông Ryan McKellar, một nhà cổ sinh vật tại Bảo tàng Hoàng gia Saskatchewan, Canada và là đồng tác giả của bài báo cho biết ông sửng sốt khi ông Xing cho xem mẫu hổ phách. Trước đây các mảnh cánh chim thời kỳ khủng long đã được tìm thấy trong hổ phách trước đó nhưng đây là lần đầu tiên một miếng đuôi khủng long được phát hiện.

Ông nói: "Đó là một phát hiện nghìn năm có một. Những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể nhìn thấy được và từ cả ba chiều không gian".

Theo ông chiếc đuôi này thuộc về một con khủng long chân thú còn nhỏ tuổi, cùng nhóm với các loài khủng long ăn thịt như velociraptors và tyrannosaurus.

Hình ảnh khủng long còn nhỏ tuổi.