Các nhà khoa học Áo phát hiện một loại vi khuẩn có khả năng sống sót trong những điều kiện khắc nghiệt trên mặt trăng Enceladus (hay vệ tinh thiên nhiên) của sao Thổ.

Trong một thời gian dài, các nhà khoa học cho rằng mặt trăng Enceladus của sao Thổ là nơi có khả năng tồn tại sự sống trong hệ Mặt Trời. Giờ đây, chúng ta có thể xác định loài sinh vật nào có thể sống ở đó và giải thích lý do vì sao chúng ta tìm thấy khí methane (CH4) trên Enceladus, theo IFL Science.

Tàu vũ trụ Cassini của NASA bay qua dòng vật chất phun ra từ bề mặt của Enceladus. Ảnh: NASA.
Tàu vũ trụ Cassini của NASA đang bay qua dòng vật chất phun ra từ bề mặt của Enceladus. Ảnh: NASA.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications hôm 27/2, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Vienna (Áo) mô tả một loại vi khuẩn đặc biệt được tìm thấy ở vùng biển sâu gần Nhật Bản gọi là Methanothermococcus okinawensis. Chúng có thể sống sót ở nhiệt độ, áp suất và môi trường hóa học của đại dương đang ẩn giấu dưới bề mặt băng giá của mặt trăng Enceladus.

Nhóm nhiên cứu cho rằng, khí methane do tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện trong dòng vật chất phun ra từ bề mặt của mặt trăng Enceladus có thể được tạo ra bởi sự sống vi sinh vật, đặc biệt là methanogens – những vi khuẩn sản sinh khí methane. Một nhiệm vụ khám phá nào đó của con người trong tương lai có thể giúp phát hiện dấu vết sinh học (biosignatures) từ các sinh vật nói trên đang ẩn mình trong đại dương của Enceladus.

"Một phần khí methane trên Enceladus về nguyên tắc có thể có nguồn gốc sinh học. Chúng tôi là những người đầu tiên điều tra liệu các vi sinh vật có thể sản xuất khí methane dưới điều kiện môi trường của Enceladus hay không", Simon Rittman, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Vienna, cho biết.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học điều tra ba vi sinh vật trong phòng thí nghiệm dưới điều kiện mô phỏng mặt trăng Enceladus bao gồm: áp suất lên đến 90 bar (áp suất tại mực nước biển trên Trái Đất khoảng 1 bar), nhiệt độ thấp bằng 0°C, nhưng nhiệt độ cao là 100°C nếu các miệng phun thủy nhiệt (hydrothermal vent) tồn tại dưới đáy biển.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm trong bình có dung tích 20ml với một chất lỏng bên trong chứa các hợp chất vô cơ. Họ thêm các vi khuẩn vào hỗn hợp, cùng với hydro và carbon dioxide (CO2) – cung cấp cả thực phẩm và năng lượng cho vi khuẩn tương tự như trên Enceladus.

Trong số ba vi khuẩn tham gia thí nghiệm, chỉ có M. okinawensis có khả năng sống sót. Vi khuẩn này thuộc họ Archaea (Vi khuẩn cổ) và được tìm thấy gần các miệng phun thủy nhiệt gần hòn đảo Okinawa, Nhật Bản. Kết quả này chỉ ra rằng, nhiều sinh vật tương tự M. okinawensis có thể tồn tại trên Enceladus.