Mới đây, các nhà thiên văn học ở đại học Keele và Central Lancashire đã xác nhận sự tồn tại của hố đen tại trung tâm thiên hà SAGE0536AGN. Được biết, hố đen có kích thước lớn gấp nhiều lần những hố đen thông thường tại các thiên hà tương tự.

SAGE0536AGN-VMC-9964-1443409579.jpg

Thiên hà SAGE0536AGN có hình elip nằm giữa khung hình. Ảnh: RAS

Theo CNN, hố đen được tìm thấy nằm trong thiên hà SAGE0536AGN có kích thước lớn gấp 350 triệu lần Mặt Trời. Tuy nhiên, thiên hà này chỉ lớn gấp 25 tỷ lần so với Mặt Trời. Với tỉ lệ này, hố đen trên lớn gấp 30 lần so với những hố đen thông thường tại thiên hà có kích thước tương ứng.

Hố đen này lớn hơn sự tưởng tượng của các nhà khoa học rất nhiều, xét theo lý thuyết hiện đại về sự tiến hóa của thiên hà. Kính viễn vọng không gian Spitzer của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện ra thiên hà khoảng9 tỷ năm tuổi này.

Các nhà thiên văn học ở đại học Keele và Central Lancashire xác nhận sự tồn tại của hố đen ở trung tâm thiên hà SAGE0536AGN bằng cách đo tốc độ luồng khí xoáy quanh nó, sau đó dùng kính viễn vọng lớn Miền nam châu Phi để thu thập dữ liệu nhằm xác định kích thước hố đen. Nghiên cứu trên được công bố trong nguyệt san tháng 9 của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh.

"Thiên hà thường có khối lượng rất lớn, hố đen ở lõi của nó cũng vậy. Tuy nhiên, hố đen này thực sự quá lớn so với thiên hà của nó, lẽ ra nó không thể lớn đến mức như vậy", tiến sĩ Jacco van Loon, nhà vật lý thiên văn ở đại học Keele kiêm tác giả chính của báo cáo cho biết.

Trong thiên hà bình thường, hố đen sẽ tăng trưởng cùng tỷ lệ với thiên hà, nhưng hố đen ở SAGE0536AGN phát triển nhanh hơn rất nhiều, hoặc là thiên hà đó đã ngừng phát triển trước thời hạn.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện một thiên hà có hố đen kỳ lạ như vậy. Họ hy vọng sẽ phát hiện thêm được nhiều thiên hà tương tự, để kiểm chứng liệu SAGE0536AGN là "kẻ lập dị", hay đơn giản là đối tượng trong một lớp thiên hà mới.