Các nhà khoa học thuộc Đại học Công nghệ Queensland (Australia) vừa khám phá ra một mã di truyền ở cây pitjuri - họ hàng gần của cây thuốc lá. Phát hiện này có thể tạo sự thay đổi lớn trong việc canh tác cả trong vũ trụ.

Giáo sư Peter Waterhouse - người đứng đầu nghiên cứu - cho biết, loài này thích nghi với môi trường bằng cách thay đổi kích cỡ hạt, sinh sản cực nhanh và có thể tồn tại khi mất đi hệ miễn dịch.

Giáo sư Peter Waterhouse và đồng nghiệp cùng cây pitjuri. Ảnh: Gizmag
Giáo sư Peter Waterhouse và đồng nghiệp cùng cây pitjuri. Ảnh: Gizmag

Để tìm hiểu làm thế nào các thay đổi này diễn ra, Waterhouse và các đồng nghiệp của ông đã lập bản đồ loại gene lỗi đã khiến hệ thống miễn dịch của pitjuri bị vô hiệu.

Sau khi phân tích bộ gene của cây và dựa vào các dữ liệu lịch sử, nhóm nghiên cứu đã xác định, cây pitjuri có nguồn gốc từ khu vực sa mạc khắc nghiệt phía bắc và tây Australia. Những thay đổi trên cho phép cây tồn tại và thích ứng với các điều kiện môi trường vô cùng khắc nghiệt.

“Để tồn tại, cây pitjuri rất nhanh chóng nảy mầm, phát triển và phát tán hạt giống để khi có mưa chúng có thể lặp lại vòng đời theo cách nhanh nhất có thể. Khả năng đó có lợi cho cây hơn là việc có hệ miễn dịch bảo vệ cây khỏi các mầm bệnh vốn không tồn tại trong khu vực chúng sống. Đây là loài cây thần diệu”- ông Waterhouse cho biết.

Waterhouse nói rằng, điều kiện sống của cây pitjuri vô cùng khắc nghiệt - đến mức ít loài thực vật chịu nổi, gần giống với môi trường trong vũ trụ. Việc chúng không tốn công tạo hệ miễn dịch chống các loại bệnh mà dồn lực để lặp lại vòng đời cũng phù hợp với môi trường vũ trụ - vốn không tồn tại các loại bệnh.

Phát hiện này có thể tác động rất lớn đến việc nghiên cứu công nghệ sinh học, giúp tăng tốc trong việc thử nghiệm các loại vắcxin và virút cũng như đẩy nhanh việc nghiên cứu những cách thức canh tác trong vũ trụ. Sau khi phát hiện được gene chịu trách nhiệm về những khả năng độc đáo của pitjuri, việc cần làm trước mắt là nhân rộng gene này cho những loài thực vật khác với hy vọng chúng có thể làm tăng đáng kể năng suất trên cây trồng.