Theo Medical News Today, một khi bị điếc thì bản thân cơ thể con người không thể tự khắc phục được tình trạng mất thính lực. Tuy nhiên, một quá trình sinh học được tìm thấy trong tự nhiên với một cơ chế tái sinh, có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Thường thì tình trạng mất thính lực là do tổn thương những tế bào lông nhạy cảm trong tai - Ảnh: Medical News Today

Thường thì tình trạng mất thính lực là do tổn thương những tế bào lông nhạy cảm trong tai - Ảnh: Medical News Today

Ví dụ, cơ chế này hoạt động ở loài chim. Thường thì tình trạng mất thính lực là do tổn thương những tế bào lông nhạy cảm trong tai. Chúng nhận các rung động và biến đổi các rung động thành các tín hiệu điện có thể hiểu được đối với não. Tuy nhiên, các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng các loài động vật như chim có thể giữ cho thính giác của chúng nguyên vẹn bằng cách tái tạo các tế bào lông cảm giác được tìm thấy trong ốc tai.

Khoảng 7 năm trước, các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm của tiến sĩ Patricia White đã tìm thấy một nhóm các thụ thể (yếu tố tăng trưởng biểu bì - epidermal growth factor) chịu trách nhiệm về quá trình tái tạo. Yếu tố tăng trưởng biểu bì được kích hoạt trên các tế bào hỗ trợ, bắt đầu khởi động việc sản sinh các tế bào nhạy cảm mới ở tai. Các nhà khoa học đã tập trung chú ý đến một thụ thể đặc biệt có tên ERBB2, nằm trong các tế bào hỗ trợ của ốc tai. Bây giờ, trong một nghiên cứu mới được công bố trên European Journal of Neuroscience, tiến sĩ Patricia White cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Rochester và Bệnh viện tai và mắt Massachusetts, Mỹ, cho thấy cách họ cố gắng tái tạo quá trình này ở động vật có vú.

Các chuyên gia đã thành công trong việc kích hoạt ERBB2, thực hiện quá trình dẫn đến việc sản sinh các tế bào hỗ trợ ốc tai. Tiếp theo, các tế bào gốc trong tai bắt đầu biến thành những sợi lông nhạy cảm. Về lý thuyết, điều này có thể giúp khôi phục thính lực cho người.

Được biết, tuổi tác hoặc tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn lớn có thể làm tổn hại ốc tai, dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mất thính lực ảnh hưởng đến hơn 400 triệu người trên toàn thế giới. Một số người bị tổn thương thính lực nghiêm trọng hơn những người khác và cách điều trị truyền thống là dùng các thiết bị như máy trợ thính nhưng hiệu quả điều trị như vậy cho mọi người thường không mang lại hiệu quả như nhau.