Việc sử dụng phân nén NPK nhả chậm do Việt Nam sản xuất không chỉ làm tăng năng suất mà còn giảm chi phí sản xuất do tiết kiệm công lao động, lượng phân cần bón, cụ thể là giảm 7,4% với cây lúa, 6,4% với cây ngô và 2,3% với cây mía.

Viên phân bón nhả chậm do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Quốc Hương
Viên phân bón nhả chậm do Việt Nam sản xuất. Ảnh: Quốc Hương

Trước băn khoăn của độc giả Hoàng Châu (Hải Dương) sau khi đọc chuyên đề về phân bón (số 936) rằng việc dùng phân nén NPK nhả chậm - có giá cao hơn phân bón thường - sẽ làm tăng chi phí sản xuất, Phó Giáo sư - tiến sỹ Lê Như Kiểu - Phó viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa - cho biết: Việc sử dụng phân nén NPK nhả chậm do Việt Nam sản xuất không chỉ làm tăng năng suất mà còn giảm chi phí sản xuất do tiết kiệm công lao động, lượng phân cần bón, cụ thể là giảm 7,4% với cây lúa, 6,4% với cây ngô và 2,3% với cây mía. Vì vậy, tuy giá cao hơn nhưng phân công nghệ mới lại góp phần tạo ra một nền sản xuất rẻ hơn.

Việc hiểu lầm phân bón công nghệ mới làm tăng chi phí sản xuất là một nguyên nhân khiến nó chưa được sử dụng rộng rãi. Mặt khác, theo PGS Kiểu, phân nén NPK nhả chậm của Việt Nam có hình dạng hạt không tròn, không đồng đều, tạo cảm quan không lợi về sản phẩm.

Các nhà sản xuất hiện cũng chưa chú trọng phát triển phân bón thế hệ mới. Chủng loại các sản phẩm này chưa đa dạng bởi mỗi loại cây có thời gian phát triển, nhu cầu khác nhau, nên cần phải xây dựng một hệ thống chuẩn của sản phẩm phân bón nhả chậm ứng dụng cho từng loại cây. Quy trình bón phức tạp (do chỉ bón một lần nên phải tích mật độ rải phân, vị trí bón, lượng phân cần dùng, độ sâu bón cho từng loại cây) đòi hỏi nông dân phải có kiến thức cơ bản về cách sử dụng loại phân này.