Trong số 102 cây thuốc được đồng bào Pako – Vân Kiều ở miền Trung sử dụng để chữa nhiều loại bệnh khác nhau, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài đã tìm hiểu, nghiên cứu và chọn lọc được 30 loài có tác dụng chống oxy hoá và diệt tế bào ung thư.

Hiện chị đang theo đuổi mục tiêu bào chế thuốc hỗ trợ ung thư cho người bệnh từ những cây thuốc này.

Xác định thêm những loài dược liệu quý

Trong buổi lễ vinh danh nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 mới đây, do chương trình Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal – UNESCO trao tặng, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài, trưởng khoa Dược ĐH Y dược Huế, thực sự gây ấn tượng với tôi không chỉ bởi danh sách công trình nghiên cứu chị sở hữu, mà còn ở cách mà chị vượt qua bản thân mình để đeo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Nhà khoa học sinh ra ở vùng quê Vĩnh Linh, Quảng Trị, dáng người nhỏ nhắn, song dường như cái “chất” của người miền Trung đặc trưng, nên nhìn chị khá rắn rỏi, đã kể lại hành trình đến với những cây thuốc quý, “Từ lâu, tôi vẫn nghe bà con truyền nhau về những ông lang, bà mế vùng dân tộc có những bài thuốc chữa ung thư và nhiều bệnh khác. Tìm hiểu thì thấy thực tế nhiều người mắc bệnh quả đúng là đã thuyên giảm bệnh, nhờ dùng những bài thuốc hỗ trợ này, nên tôi quyết tìm ra thành phần của những cây thuốc đó để xem khả năng hỗ trợ điều trị bệnh thực hư đến đâu”.

Từ năm 2011 – 2012, chị đã nhiều lần đi về vùng núi Quảng Trị để tìm những cây thuốc quý đó. Nhưng đó là việc vô cùng khó khăn, bởi bà con người dân tộc vốn nhiều đời “sống” bằng cây thuốc, họ không dễ gì lại đi nói cho một người xa lạ về “cái cần câu cơm” của mình. Do vậy, “Ngoài việc tìm hiểu các nguồn tin của bộ đội, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tôi đã nhiều ngày ‘nằm vùng’ để tỉ tê thuyết phục người dân”.

PGS-TS Nguyễn Thị Hoài (thứ ba từ trái qua) đang hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: T. Phương

“Khi có được mẫu cây, tôi mất cả năm trời kiên trì trong phòng thí nghiệm. Kết quả đã phân loại được 30 cây thuốc của đồng bào Pako – Vân Kiều, theo hướng chống ung thư và chống oxy hoá. Từ cơ sở này, tôi xây dựng bộ dữ liệu 14 cây thuốc liên quan đến khả năng chống ung thư; xây dựng bộ dữ liệu 16 cây thuốc liên quan đến khả năng chống oxy hoá. Tôi cũng nghiên cứu sàng lọc tác dụng chống oxy hoá và diệt tế bào ung thư 30 cây thuốc. Qua sàng lọc đã xác định hai cây thuốc có hoạt tính mạnh nhất để tiếp tục nghiên cứu thành phần hoá học và tác dụng sinh học, đó là cây bù dẻ tía với hoạt tính diệt tế bào ung thư, và cây mán đỉa với hoạt tính chống oxy hoá”, PGS Hoài chia sẻ.

Một số đề tài khoa học cấp bộ khác của PGS Hoài cũng được đánh giá rất cao, đó là nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ cà phê, đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây, và được phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư ở thị trường Trung Quốc. Với việc nghiên cứu 30 loài trong chi Hedyotis ở Việt Nam, chị đã tìm ra loài có hoạt tính tốt để tiếp tục nghiên cứu thành phần hoá học và hoạt tính sinh học là cây an điền nón, chưa từng được nghiên cứu trước đó ở cả Việt Nam, cũng như trên thế giới.

Bản lĩnh vượt lên số phận

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài nhận học hàm phó giáo sư khi mới 35 tuổi, đến nay đã chủ nhiệm một đề tài NAFOSTED, một đề tài cấp bộ Y tế, bốn đề tài cấp bộ Giáo dục và đào tạo, và nhiều đề tài cấp cơ sở khác, đặc biệt là tác giả và đồng tác giả của 21 bài báo quốc tế, bốn báo cáo tại hội nghị quốc tế, và 60 bài báo khoa học trong nước. Đồng thời chị đã hướng dẫn năm nghiên cứu sinh, 13 học viên cao học... Song điều mà ít người biết đến là vào thời điểm năm 2007, chị từng mang trong mình căn bệnh quái ác – ung thư tuyến giáp, nhưng bệnh tật đã không đủ sức đẩy lùi đam mê nghiên cứu khoa học ở con người chị.

“Khi bác sĩ nói tôi bị K tuyến giáp, tôi thấy như đất sụt dưới chân mình. Buồn vô cùng, song tôi nghĩ mình cần kiên cường hơn, phải tận dụng thời gian có được để điều trị và tiếp tục nghiên cứu”, PGS Hoài nói, và cho biết chị đã trải qua ba lần mổ rồi xạ trị và thấm thía hơn bệnh tật có thể cướp đi của con người nhiều thứ, trong đó lớn nhất là sức khoẻ và thời gian. Dù tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị bệnh, nhưng thấy mình có quá nhiều việc phải làm, PGS Hoài không ngừng nghỉ trong nghiên cứu.

“Có những lúc làm đề tài cấp bộ, tôi ngồi viết thuyết minh xuyên đêm, chỉ đến khi thấy lạnh sống lưng mới biết trời đã sáng. Dự định nào tôi muốn làm cho bằng được. Tôi thấy có nhiều việc để làm và phải làm. Một tháng 30 ngày là 30 ngày tôi có mặt ở phòng thí nghiệm, nhiều khi làm việc đến 29 tết. Mùng 3 tết tôi chỉ mong bảo vệ trường mở cửa để đi làm. Tôi thấy đó là công việc mình thích giống như nhiều phụ nữ thích đi shopping, ngồi cà phê, nhưng mình thì thích đến phòng thí nghiệm”, PGS Hoài lý giải cho việc “nghiện” làm việc của mình.

Cũng chính sự đam mê, bản lĩnh vượt lên số phận ấy, chị đã truyền lửa cho nhiều thế hệ sinh viên. Tin vui cũng đến với người phụ nữ kiên cường ấy là bệnh của chị cũng ổn và không phải lo lắng nhiều đến nó nữa. Nhưng điều mà PGS Hoài trăn trở hiện tại là thực hiện những nghiên cứu dài hơi trên các cây dược liệu mà chị đã tìm được.

“Với cây dược liệu, quá trình nghiên cứu phải mất nhiều thời gian, như TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm đã mất tới 17 năm để nghiên cứu, sàng lọc, thử nghiệm trinh nữ hoàng cung, rồi chiết xuất thành thuốc. Còn với những cây mà tôi phát hiện mới chỉ là thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Hiện tôi đang tìm nhiều cách để có kinh phí làm nghiên cứu tiếp. Nếu được đầu tư, tôi sẽ quay trở lại vùng bà con dân tộc để lấy nhiều mẫu, nghiên cứu sâu, rồi thử nghiệm lâm sàng thì mới có thể nói chuyện ứng dụng được. Khi đó, mới quyết định có nên trồng mở rộng cây dược liệu này hay không”, PGS Hoài tâm sự, và cho biết ước mơ: sau những nghiên cứu này, chị sẽ cùng bà con trồng mở rộng vùng dược liệu, để họ có thể sống khoẻ bằng cây thuốc, còn người bệnh thì được dùng sản phẩm tốt, giá bình dân.

Chia tay chị, trong tôi ấn tượng mãi câu nói: “Quan điểm của tôi được sống mỗi ngày, được làm việc mỗi ngày là hạnh phúc”.

GS.TS.BS Võ Tam, phó hiệu trưởng trường ĐH Y dược Huế, người thầy cũng là người đồng nghiệp của PGS Hoài, chia sẻ: “Gần 18 năm công tác ở trường ĐH Y dược Huế, cô Hoài luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Điều đáng khâm phục là cô Hoài lại mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Vừa phải chống chọi với bệnh tật, vừa ‘truyền lửa’ cho các lớp sinh viên, vừa say mê nghiên cứu khoa học với nhiều đề tài mới giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị tốt hơn. Cô Hoài là tấm gương sáng để nhiều thế hệ sinh viên, thầy cô giáo học tập, noi theo”.