"Tôi được vinh dự là người kế cận của GS Huỳnh nên ngay từ những ngày đầu bước vào con đường nghiên cứu khoa học, tôi đã được ông giúp đỡ, giảng dạy nhiều điều trong thực tế cũng như trong nghiên cứu" - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - nói.


PGS-TS Lê Xuân Cảnh.

Tôi từng được đi cùng GS Đặng Huy Huỳnh tới hầu hết các điểm rừng thiêng nước độc, biên giới, hải đảo, leo lên những đỉnh núi cao nhất của tổ quốc để điều tra, nghiên cứu về đa dạng sinh học và tìm cách bảo tồn tài nguyên quý giá của đất nước. Bất kể đi đến đâu, GS Huỳnh cũng được nhân dân và các cấp lãnh đạo quý mến, sẵn sàng cung cấp những thông tin quan trọng để đạt mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường của Việt Nam.

Những lần đi nghiên cứu dài ngày cùng với giáo sư trong những khu rừng sâu giáp biên giới là kỷ niệm không bao giờ quên. Thức ăn lúc bấy giờ rất khan hiếm và khó kiếm, các nhà khoa học phải tìm mọi cách để lo được bữa ăn, tránh bị chết đói.

Về nước, mỗi người chỉ được dùng 1 lít nước trong ngày, kể cả ăn, uống và vệ sinh. Với kinh nghiêm còn non của tôi, nếu không có sự động viên của GS Huỳnh và những kinh nghiệm quý giá mà ông truyền lại thì có lẽ tôi khó vượt qua.

Ở GS Đặng Huy Huỳnh còn có một phong thái rất đáng nể phục, đó là sự điềm tĩnh trong mọi tình huống. Trong suốt thời gian làm việc với giáo sư, tôi chưa một lần thấy ông cáu giận hay mắng mỏ mà lúc nào cũng chỉ khuyên bảo. Trở thành một nhà khoa học như ngày hôm nay, tôi vô cùng biết ơn GS Đặng Huy Huỳnh.