Không chỉ giỏi Toán, thầy Văn Như Cương còn được biết đến với tài văn chương, nói chuyện dí dỏm và có khả năng "truyền lửa" cho học trò.

0h27 ngày 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, đã rời xa cõi tạm sau hơn 3 năm chống chọi với bệnh ung thư gan. 80 tuổi, hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, thầy Cương để lại nhiều dấu ấn trong nền giáo dục Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), từ nhỏ thầy Cương đã ham học và học giỏi. Tốt nghiệp phổ thông năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy.

Chỉ một thời gian ở Hà Nội, theo lời kêu gọi của giáo sư Nguyễn Thúc Hào, thầy Văn Như Cương cùng thầy Hào vào xây dựng Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An). Sau đó, thầy được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971, thầy Cương trở về giảng dạy ở tổ Hình học, Khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh, sau đó lại về Đại học Sư phạm Hà Nội.

Toán giỏi thơ hay

Ngoài công việc chuyên môn, thầy Văn Như Cương tham gia viết sách, dịch sách. Năm 1975, thầy đã dịch cuốn "Đối thoại về toán học"; năm 1987 cùng với GS Hoàng Xuân Sính, Đoàn Quỳnh biên soạn cuốn "Đại số tuyến tính và hình học". Thầy cũng chủ biên hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học.

Với mong muốn thay đổi nền giáo dục đang trì trệ bởi cung cách dạy và học từ thời bao cấp, thầy Cương nghĩ "phải có loại trường khác với trường công lập" nên làm đơn xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh năm 1989. Được các cơ quan chức năng ủng hộ, trường phổ thông dân lập đầu tiên tại Việt Nam ra đời, mang tên nhà toán học nổi tiếng Lương Thế Vinh.

Thầy Văn Như Cương đã vĩnh viễn ra đi rạng sáng ngày 9/10/2017. Ảnh: Hoàng Thuỳ.
Thầy Văn Như Cương đã vĩnh viễn ra đi rạng sáng ngày 9/10/2017. Ảnh: Hoàng Thuỳ.

Có thời gian dài làm việc bên cạnh PGS Văn Như Cương, thầy Đào Tuấn Đạt (Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội) nhận xét, thầy Cương không chỉ giỏi chuyên môn mà còn đa tài. Trong toán học, bao giờ thầy cũng làm đơn giản đề bài để tìm ra đáp án nhanh nhất, với cách giải thông minh nhất. Thầy còn dùng tài văn chương để biến toán học khô khan trở nên mềm mại.

Thầy Cương từng làm bốn câu thơ nổi tiếng: Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi trong toán nhiều công thức/ Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn. "Trong toán có hoa, trong hoa có toán. So sánh hai vẻ đẹp để chúng cùng đẹp lên phải là người có tài làm thơ và làm toán. Ông thầy toán giỏi thơ như Văn Như Cương là trường hợp hiếm gặp", thầy Đạt nhận xét.

PGS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), chia sẻ người ta gọi thầy Cương bằng nhiều danh hiệu như nhà giáo, nhà toán học, nhà quản lý giáo dục, nhà phản biện xã hội…, song thực tế ông còn là nhà thơ, nhất là thơ Đường luật. "Còn nhớ ngày nào ông đọc tôi nghe bài thơ Đường mới viết, khi tôi khen, ông cười bảo Thế cậu không nghe câu toán Như Cương mà văn cũng Như Cương" à?", PGS Thống kể.

Năm 1982, nhân dịp GS Nguyễn Thúc Hào tròn 70 tuổi, thầy Cương đã làm một bài thơ mừng thọ thầy Hào với những lời chân thành: Kính tặng thầy/ Trăm năm tính mãi cuộc vuông tròn/ Để lại danh gì với nước non?/ Chẳng thiết mưu danh cùng kiếm lợi/ Không cần trát phấn với bôi son/ Xưa đà ngang dọc ngôi trường lớn/ Nay vẫn tung hoành mảnh đất con/ Còn sống còn xem thời với thế/ Rồi đây ai tính cuộc vuông tròn.

Dạy trò bài học làm người

Người thầy xứ Nghệ còn nổi tiếng với những bài phát biểu khai trường ngắn gọn, súc tích, nhắn nhủ nhiều điều đến các thế hệ học trò trường Lương Thế Vinh. Năm 2013, thầy đã "xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét, đánh giá con cái mình".

Theo thầy, một số vị luôn cho rằng con mình cái gì cũng nhất: xinh đẹp, thông minh, tài năng, trí tuệ…, họ tâng bốc con và làm cho con cũng cảm thấy hơn người. Một số khác thì luôn buồn bực, chì chiết thậm chí mạt sát con, xem nó là thứ vứt đi, khó dạy khó bảo. Thực tế, mỗi đưa trẻ đều có điểm mạnh, yếu. Nghệ thuật làm cha mẹ là biết cách khuyến khích, nhưng không đề cao quá đáng điểm mạnh của con, khắc phục mà không vùi dập điểm yếu của nó.

"Một đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc một đứa trẻ tự ti, sợ hãi không phải là mục tiêu giáo dục của chúng ta", thầy nói và "xin phụ huynh đừng quá nuông chiều đến mức thỏa mãn mọi đòi hỏi của con. Hãy nhớ rằng con cái luôn luôn được voi đòi tiên". Thầy cũng "xin các vị đừng thương các con đến mức không để chúng đụng tay đụng chân làm bất kỳ việc gì, mà dành toàn bộ thời gian cho chúng dùi mài kinh sử. Vì như vậy sẽ có những đứa trẻ không bao giờ biết làm việc, kể cả việc đơn giản. Lớn lên chắc chắn chúng sẽ thành kẻ lười biếng".

"Hãy dạy con chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mỗi con người nên có. Và hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh, đang diễn ra hàng ngày… để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng", thầy Cương căn dặn.

Thầy Văn Như Cường đánh trống khai trường.
Thầy Văn Như Cường đánh trống khai trường.

Năm 2014, cũng trong lễ khai giảng, thầy nhắn nhủ học sinh phải biết "yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa". Thầy cho rằng một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Vì vậy, hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, thầy cô.

Mùa khai giảng cuối cùng trước khi vĩnh viễn trở về đất mẹ, thầy Văn Như Cương căn dặn học trò: "Mỗi người đều có thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên ngắn ngủi". Thầy giới thiệu phương pháp Kaizen để chữa bệnh lười. Mỗi ngày học sinh chỉ cần bỏ ra một phút để chống tay hít đất mười cái, hoặc học một từ tiếng Anh cùng với một số câu có chứa từ đó, hoặc làm một vài bài toán đơn giản.

"Ngày nào cũng phải làm việc ấy đúng một phút, từ đó các em sẽ cảm thấy bị lôi cuốn và đó là khi em đạt được bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng... Từ đây em có thể bổ sung một số công việc bổ ích khác. Hãy nhớ công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng để đến ngày mai", thầy nhắn nhủ.

Nhà phản biện xã hội sắc sảo

Năm 2014, Bộ Giáo dục xây dựng dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa với kinh phí dự kiến lên đến hơn 34 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD). Chia sẻ với VnExpress, PGS Văn Như Cương cho hay: "Nếu tính riêng tiền chi cho viết sách giáo khoa, tôi chỉ xin 34 tỷ đồng, phóng khoáng là 50 tỷ, tương đương 1% của số tiền 5.000 tỷ".

Khẳng định từ trước đến nay việc viết sách rất tiết kiệm, thầy Cương đề nghị thành lập trại viết sách giáo khoa tập trung và mời các tác giả đến. Những người này cần từ bỏ công việc của mình, tách ra ba tháng chỉ đặc phái đi viết sách xong lại về làm việc như cũ.

Năm nay, trước thực trạng mốt số trường sư phạm lấy điểm đầu vào thấp, thậm chí có cao đẳng tuyển cả thí sinh 3 điểm mỗi môn, PGS Cương cho rằng đầy là điều "hết sức lo ngại". Việt Nam đang chuẩn bị cho công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, giáo viên là lực lượng xung kích, nòng cốt. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ trong nhiều hội nghị cũng nhấn mạnh "để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên".

"Đội ngũ giáo viên tốt thì công cuộc đổi mới giáo dục sẽ thắng lợi, ngược lại đội ngũ này không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ thất bại. Ra trận mà lính yếu ớt thì còn đánh được ai. Đầu vào trường Sư phạm thấp thì đầu ra cũng không thể cao được", thầy Cương nói và đề xuất điểm chuẩn Sư phạm phải cao hơn mức sàn của Bộ Giáo dục.

Cuộc chiến với tử thần

Tháng 3/2014, các bác sĩ phát hiện PGS Văn Như Cương bị ung thư gan. TS Lê Thống Nhất, người học trò thân thiết, đồng hương với thầy Cương chia sẻ: "Cuộc chiến đấu của thầy và gia đình, cùng bao người thân rất quyết liệt. Đã có lúc tưởng như chiến thắng. Nhưng tháng 3/2017, con bệnh quay trở lại. Một cuộc chiến đấu bền bỉ với sự cầu mong của biết bao thế hệ học trò, 19.000 con hạc giấy do học sinh gấp như một sự tha thiết mong cho trời đừng bắt thầy đi".

Nằm trên giường bệnh viện, bị những cơn đau hành hạ, nhưng thầy Cương vẫn lạc quan. Học trò đến thăm, thầy vẫn trò chuyện. "Khi mọi người khuyên thầy cần ăn uống, đặc biệt là uống sữa, nước hoa quả, thầy hóm hỉnh hỏi Uống bia có được không? làm tất cả cười vui vẻ. Chúng tôi hỏi thầy có muốn uống Beluga không, thầy lắc đầu. Hỏi thầy có muốn vào Facebook không, thầy gật đầu nói có", TS Thống Nhất kể.

Cuối năm 2012, thầy Cương hài hước chia sẻ về cái chết trên Facebook. Thầy kể chuyện nằm ngủ mơ gặp thần chết và có cuộc trò chuyện với vị thần này: "Ta nay đã hơn 80 tuổi, có đi cũng được rồi, có nhiều người ít tuổi hơn ta mà đã đi. Họ bị tai nạn giao thông, bị hỏa hoạn, bị sóng thần quét, bị khủng bố, bị bom đạn chiến tranh, còn phải ăn thực phẩm bẩn. Bởi vậy, nếu ta phải đi bây giờ thì như nhà ngươi thấy đấy, ta chẳng có gì mà lo lắng, sợ hãi cả".

Hôm nay, thầy đã ra đi, để lại tiếc thương cho bao thế hệ học trò về người thầy xứ Nghệ suốt đời cặm cụi chở những chuyến đò sang sông.