Như người chạy marathon trên một quãng đường dài, người làm khoa học phải chạy mãi không ngừng nghỉ để đến được đích. Đó là chia sẻ của PGS-TS Trương Quốc Phong - Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS Trương Quốc Phong là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm thuộc Đại học Bách khoa, là một trong các nhà khoa học được trao Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng năm 2014.

Theo đuổi hóa sinh để tự trả lời những băn khoăn

PGS Trương Quốc Phong là một người năng động và cởi mở. Ở tuổi xấp xỉ 40, anh đang bước vào độ chín của một nhà nghiên cứu, với quyết tâm đi sâu vào chuyên ngành hóa sinh và sinh học phân tử - một lĩnh vực nền tảng của ngành sinh học và công nghệ sinh học trên thế giới. Những thành tựu trong lĩnh vực này đã đem lại bước tiến lớn, góp phần tạo ra cuộc cách mạng trong công nghệ sinh học.

Anh kể: “Niềm đam mê với hóa sinh và sinh học phân tử đã được hình thành từ khi tôi còn là một sinh viên ngành công nghệ sinh học, chuyên ngành hóa sinh của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Những câu hỏi thắc mắc về cải biến gene của vi sinh vật, phát triển vắcxin… đã thôi thúc tôi học tập và tham gia nghiên cứu từ năm thứ 2 đại học về lĩnh vực này”.

PGS Trương Quốc Phong (thứ hai từ phải qua) vinh dự nhận giải thưởng Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật thanh niên Quả cầu vàng năm 2014.
PGS Trương Quốc Phong (thứ hai từ phải qua) nhận Giải thưởng Khoa học Kỹ thuật
thanh niên Quả cầu vàng năm 2014.

Nhận bằng tốt nghiệp đại học năm 2001, PGS Trương Quốc Phong đứng trước nhiều cơ hội việc làm khi theo học chuyên ngành này. Tuy nhiên, niềm đam mê nghiên cứu “ngấm” vào con người anh đã dẫn đến quyết định chọn Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học làm nơi lập nghiệp, với công việc là giảng dạy và nghiên cứu.

Anh tâm sự: “Tôi xác định công việc của người làm nghiên cứu khoa học là phải nghiêm túc, trung thực, toàn tâm toàn ý, bởi công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, mỗi ngày hơn 10 giờ dành cho các thí nghiệm, máy móc, thiết bị phân tích. Hạnh phúc lớn nhất của người làm khoa học như tôi và rất nhiều đồng nghiệp là những kết quả nghiên cứu ngày càng có giá trị và công sức của mình bỏ ra không vô ích”.

PGS Phong đang tập trung vào một số nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử trong cải biến gene vi sinh vật để tăng khả năng tạo các sản phẩm đích (là những sản phẩm sinh học mong muốn như hợp chất sinh học, protein, enzyme…), đáp ứng yêu cầu sản xuất và tạo các protein tái tổ hợp, phục vụ phát triển sinh phẩm chẩn đoán và vắcxin thế hệ mới.

Sáng tạo, kiên trì và không chờ đợi

PGS Trương Quốc Phong quan niệm: “Mặc dù các nghiên cứu hiện đã đạt một số kết quả nhất định nhưng tôi nghĩ các nghiên cứu đó cần được tiếp tục triển khai để có kết quả tốt hơn. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào thì yếu tố sáng tạo luôn là quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố đó phải được phát triển trên nền tảng kiến thức vững chắc, hiểu rõ bản chất vấn đề”.

PGS Trương Quốc Phong
PGS Trương Quốc Phong

“Sáng tạo, kiên trì và không chờ đợi là những yếu tố một người làm khoa học cần phải có” – PGS Phong chia sẻ. Những gánh nặng cuộc sống đôi lúc sẽ khiến chúng ta nản lòng. Vì thế, sáng tạo không ngừng nghỉ và kiên trì theo đuổi niềm đam mê của mình đến tận cùng là một phương châm trong công việc và cũng là bí quyết thành công của anh.

Gặt hái thành công khi còn khá trẻ, Trương Quốc Phong cho rằng bản thân thật may mắn khi có cơ hội học tập và nghiên cứu ở nhiều nước phát triển như Đức, Anh, Mỹ, Nhật. Chính thời gian đó đã giúp anh thu thập nhiều kiến thức và học hỏi được từ các giáo sư cách tiếp cận, giải quyết vấn đề. Do đó, dù làm việc ở Việt Nam nhưng anh luôn cố gắng tìm cơ hội sang một nước nào đó để học tập và nghiên cứu. Điều này cũng giúp anh có nhiều mối quan hệ quốc tế hơn, nhận được sự trợ giúp từ các giáo sư nước ngoài.

Khi được hỏi về mục tiêu trong sự nghiệp nghiên cứu, PGS Phong nói: “Trong nghiên cứu khoa học, có những đề tài, kết quả không phải là sản phẩm hữu hình mà chỉ là dữ liệu để cung cấp cho khoa học. Đối với những đề tài có sản phẩm hữu hình thì người làm khoa học cần cố gắng tạo ra được sản phẩm phù hợp với thực tiễn. Mong muốn của tôi là tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống”.

Anh cho biết đang thực hiện đề tài “Tạo bộ sinh phẩm dạng que thử phát hiện nhanh virus rota gây tiêu chảy ở trẻ em” giúp chủ động được nguồn sinh phẩm, phù hợp với loại virus lưu hành tại Việt Nam và giảm giá thành xét nghiệm. “Sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm và đã nhận được một số phản hồi tích cực từ đơn vị sử dụng” - anh tiết lộ.


PGS-TS Trương Quốc Phong sinh năm 1979, từng bảo vệ luận án tiến sỹ chuyên ngành sinh học phân tử tại Đại học Tổng hợp Greifswald (Đức); là tác giả, đồng tác giả của 28 bài báo khoa học, trong đó có 15 công trình đăng trên tạp chí và kỷ yếu uy tín trên thế giới. Một số đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN mà PGS đã chủ trì hoặc tham gia:

- Nghiên cứu tạo chủng E.coli tái tổ hợp mang gene mã hóa PDC và ADH II từ Zymomonas mobilis lên men cồn từ đường C5 và C6 (năm 2009-2010, Bộ Công Thương).

- Nghiên cứu tạo chế phẩm enzyme tái tổ hợp thủy phân lignocellulose phục vụ sản xuất cồn nhiên liệu (năm 2009-2010, đề tài cấp nhà nước).

- Phân tích so sánh hệ protein của chủng vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis nhạy cảm và kháng đa thuốc (Rifampicin và Isoniazid) phân lập tại Việt Nam (năm 2011- 2012, Nafosted).