Hóa ra những bộ óc nhỏ xíu lại có năng lực tốt hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta.

Trước đây, khoa học đã chứng minh được một số loài linh trưởng, chim và các động vật khác có khả năng giải quyết những vấn đề toán học cơ bản. Ngày nay, một nhóm nghiên cứu đến từ Úc và Pháp còn phát hiện được: những con ong mật cũng có thể hiểu thứ ngôn ngữ chung của toán học ở một cấp độ cơ sở – khám phá này thậm chí sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong một bài báo công bố trên Tạp chí Science Advances vào hôm 6/2/2019, các nhà khoa học đã mô tả chi tiết cách thức họ dạy toán cho những con ong mật. Trước tiên, họ huấn luyện 14 con ong bay vào và tìm đường ra trong một mê cung hình chữ Y. Tại ngay lối vào sẽ đặt một màn vuông màu xám hiển thị dao động từ 1 đến 5 hình nhỏ (vuông, chữ nhật, tam giác …) và tất cả đều có màu xanh hoặc vàng; Nếu là xanh, con ong sẽ phải cộng thêm 1 vào số lượng hình, còn nếu là vàng thì cần trừ đi 1. Chẳng hạn, nếu xuất hiện 3 hình tam giác màu vàng thì câu trả lời đúng sẽ là 2. Khi đang ở trong mê cung, lối ra của con ong cũng ứng với câu trả lời tiềm năng; Nếu chọn đáp án chính xác, nó sẽ được ăn nước đường ngon, còn sai thì sẽ phải nếm thứ nước có vị chẳng hề thích thú (đắng chát).

Nguyên lý của mê cung hình chữ Y mà các nhà khoa học dùng để dạy số học cho những con ong mật. Ảnh: Science Advances.

Nguyên lý của mê cung hình chữ Y mà các nhà khoa học dùng để dạy số học cho những con ong mật. Ảnh: Science Advances.

Lúc đầu, những con ong, theo thói quen sẽ tìm đường ra một cách ngẫu nhiên, nhưng sau hơn 100 lần thử nghiệm, chúng dần bắt đầu biết nhận thức, rằng các hình màu xanh đồng nghĩa với việc cần cộng thêm 1, còn màu vàng là bớt đi 1. Nhà khoa học Adrian Dyer nhận định, thực tế con người có thể dạy những nguyên lý số học thô sơ cho ong mật đã không chỉ tiết lộ thêm nhiều điều mới mẻ về thế giới của các loài động vật, mà còn cho thấy hoàn toàn có thể dồn khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp vào bên trong một kết cấu nhỏ – tri thức này sẽ trở nên đặc biệt hữu ích khi phát triển các hệ thống AI tương lai.

“Bạn cần nắm vững các quy tắc cộng trừ trong trí nhớ dài hạn, đồng thời phải biết thao tác với những tập hợp số cho trước bằng bộ nhớ ngắn hạn. Xét trên khía cạnh này, những con ong mật của chúng tôi đã biết vận dụng trí nhớ ngắn hạn của chúng để giải quyết các vấn đề số học khi nhận thức được khi nào nên cộng hoặc trừ – giống như là một khái niệm trừu tượng thay vì phải cần đến những hỗ trợ trực quan” - Dyer phát biểu trong một thông cáo báo chí. Ông tiếp tục: “Phát hiện này cũng cho thấy khả năng tồn tại năng lực nhận thức toán học tiên tiến ở các loài động vật trong tự nhiên là rất lớn, hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây của chúng ta”. Như vậy, nếu toán học đã không đòi hỏi phải có một não bộ lớn thì rất có thể sẽ có những cách kết hợp (như từ sự tương tác giữa các quy tắc dài hạn với bộ nhớ làm việc) mà chúng ta nên theo đuổi nhằm tạo ra các thiết kế đặc biệt giúp cải thiện khả năng học hỏi của AI đối với những vấn đề mới.