Các nhà sinh vật học đưa ra cảnh báo nhiều khả năng 50% số loài trên Trái Đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.

nua-so-loai-tren-trai-dat-se-bien-mat-trong-100-nam-toi

Chà vá chân đỏ có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắn quá mức ở Việt Nam. Ảnh: Apple2499.

Dự đoán được giới nghiên cứu đưa ra khi các nhà sinh vật học, chuyên gia bảo tồn và nhà kinh tế học tham dự hội nghị "Cách cứu thế giới tự nhiên mà chúng ta phụ thuộc" ở Vatican, Italy, IFL Science hôm 27/2 đưa tin.

Trong lịch sử hơn 3,7 tỷ năm từ khi sự sống xuất hiện trên Trái Đất, hành tinh của chúng ta đã trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng lớn. Sự kiện tuyệt chủng tồi tệ nhất ở kỷ Permi-Trias kéo theo 96% số loài bị xóa sổ, trong khi sự kiện gần nhất khiến loài khủng long tuyệt diệt và dẫn tới sự phát triển của động vật có vú.

Ngày nay, giới nghiên cứu cho rằng chúng ta đang trải qua sự kiện tuyệt chủng thứ 6. Nhưng lần tuyệt chủng này khác biệt ở chỗ nó không đơn thuần do tác động của khí hậu hay hoạt động địa lý mà do chính con người thúc đẩy. Trên thực tế, các loài vẫn tuyệt chủng theo tỷ lệ tự nhiên. Nhưng do các hoạt động của con người như chặt phá rừng, thải carbon vào khí quyển, đánh bắt vô số cá từ đại dương, tốc độ tuyệt chủng bị đẩy lên gấp 1.000 - 10.000 lần tỷ lệ tự nhiên.

Các nhà sinh vật học khuyến cáo nếu con người không tìm cách thay đổi, biến đổi khí hậu kết hợp với hoạt động phá rừng và khai thác mỏ sẽ đẩy một nửa số loài trên hành tinh đến bờ vực tuyệt chủng. Họ cũng nhấn mạnh không chỉ những loài như hổ và gấu trúc, thậm chí cả vi sinh vật, thực vật và nấm cũng sẽ bị xóa sổ khỏi Trái Đất.